Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về tình hình Mali

HĐBA LHQ đã triệu tập phiên họp khẩn về khủng hoảng tại Mali, trong bối cảnh nhóm vũ trang Hồi giáo đã chiếm thị trấn Konna.
Ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập phiên họp khẩn về khủng hoảng tại Mali, trong bối cảnh nhóm vũ trang Hồi giáo đã chiếm thị trấn Konna và đang áp sát thị trấn trọng yếu Mopti do chính phủ kiểm soát và là cửa ngõ đi về phía Nam.

Các nguồn tin ngoại giao từ trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York (Mỹ) cho biết cuộc họp được tiến hành theo yêu cầu của Pháp.

Tại cuộc họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Feltman đã báo cáo vắn tắt về tình hình Mali, trong đó đặc biệt nhấn mạnh thông tin 1.200 phiến quân Hồi giáo chỉ còn cách Mopti 20 km và cũng đang tiến rất gần tới một thị trấn khác trên cung đường dẫn về thủ đô Bamako. Trước đó, nhóm vũ trang này tuyên bố đã chiếm được thị trấn Konna và đang tiến quân xuống phía Nam. Tuy nhiên, thông tin này chưa được chính phủ Mali xác nhận.

Lo ngại trước sự tấn công mạnh của lực lượng Hồi giáo, Tổng thống tạm quyền Mali Dioncounda Traore đã kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp của Liên hợp quốc và Pháp. Các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp Hội đồng Bảo an hối thúc nhanh chóng thực thi kế hoạch triển khai lực lượng can thiệp do châu Phi đứng đầu nhằm giúp chính phủ Mali đẩy lùi cuộc tiến công của các tay súng Hồi giáo.

Tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua kế hoạch triển khai lực lượng can thiệp tới Mali để giúp chính phủ tạm quyền hiện nay giành lại phần lớn lãnh thổ ở phía Bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.

[Mali: Binh sĩ và phiến quân đụng độ tại miền Trung]

Cùng ngày 10/1, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan ở thủ đô Abuja, đặc phái viên Pháp tại Nigeria Jean Palanon cho biết hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong nỗ lực chấm dứt khủng hoảng tại Mali.

Theo ông Palanon, sự hỗ trợ của Nigeria có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến này, đặc biệt trong việc triển khai kế hoạch của Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, hai nước cũng đang thúc đẩy thực hiện phương thức tiếp cận song song cả về chính trị và quân sự theo sáng kiến của Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm duy trì ổn định và đảm bảo tiến trình chuyển tiếp tại Mali diễn ra suôn sẻ.

Mali từng là một trong những quốc gia ổn định nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, quốc gia Tây Phi này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012. Tình trạng rối ren đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc, đồng thời tuyên bố ly khai và lập ra "Nhà nước Azawad" áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục