Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau thông qua một số nghị quyết quan trọng

Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa IX lần lượt tiến hành nội dung thảo luận, thông qua các tờ trình, dự thảo nghị quyết và tiến hành biểu quyết thông qua 8 nghị quyết quan trọng.
Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau thông qua một số nghị quyết quan trọng ảnh 1Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện phát biểu tại kỳ họp thứ 14 (chuyên đề), HĐND tỉnh khoá IX. (Nguồn: baocamau.com.vn)

Ngày 9/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 14 (chuyên đề), thông qua một số nghị quyết quan trọng.

Theo đó, các đại biểu đã biểu quyết, thống nhất thông qua 8 nghị quyết quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, cụ thể:

Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 chuyển sang năm 2020; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2016-2020; ban hành Danh mục bổ sung dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2020 tỉnh Cà Mau; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; quy định nội dung chi, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh; quy định mức thu một số dịch vụ phục vụ hoạt động bán trú tại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ sữa tươi, góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

[Cà Mau tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở]

Đáng chú ý trên lĩnh vực pháp chế, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc bãi bỏ Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND ngày 5/12/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau về tuyển chọn trí thức trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Đối với sự cần thiết ban hành nghị quyết, các đại biểu cho rằng nghị quyết đã hết thời gian hiệu lực, đối tượng điều chỉnh, không còn phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Trước đó, thực hiện Đề án 01-ĐA/TU, ngày 4/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh Cà Mau đã tuyển chọn, bồi dưỡng và đã đưa 199 trí thức trẻ về công tác tại các xã, phường, thị trấn (2 trí thức trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục tham gia đề án).

Trong quá trình công tác tại cơ sở, có 43 trí thức trẻ trúng tuyển công chức, viên chức và được bầu vào chức danh cán bộ cấp xã; có 4 trí thức trẻ xin nghỉ việc; 150 trí thức trẻ công tác đủ 5 năm theo quy định và được giải quyết chế độ chính sách theo quy định (93 trí thức trẻ có định hướng bố trí sắp xếp sau khi kết thúc Đề án; 57 trí thức trẻ thôi việc sau khi kết thúc Đề án).

Tổng kinh phí thực hiện Đề án trên 78 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục