'Hội họa Tạ Quang Bạo': Phản ánh thế giới bằng bảng màu phong phú của sơn ta

Bằng triển lãm cá nhân đầu tiên về hội họa sơn mài, nhà điêu khắc lão thành Tạ Quang Bạo cho thấy sức sáng tạo đáng nể khi tuổi đã ngoài 80.

Triển lãm giới thiệu 50 bức sơn mài khổ lớn của nhà điêu khắc-họa sỹ Tạ Quang Bạo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Triển lãm giới thiệu 50 bức sơn mài khổ lớn của nhà điêu khắc-họa sỹ Tạ Quang Bạo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Khi tuổi ngoài 80, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo quyết định bước vào một chuyến phiêu lưu nghệ thuật mới – sáng tác hội họa sơn mài. Với một cánh tay bị liệt, 4 stent trong tim, ông vẫn dũng cảm bước vào địa hạt nặng nhọc của hội họa.

Sau 3 năm sáng tác sơn mài, ông đã khiến bạn bè nghệ sỹ và công chúng phải ngả mũ thán phục với 50 tác phẩm sơn mài khổ lớn trong triển lãm “Hội họa Tạ Quang Bạo” khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày 20/12.

Thông qua tác phẩm, họa sỹ Tạ Quang Bạo thể hiện 50 trạng thái cảm nghĩ của mình về con người, cuộc đời, thiên nhiên với bảng màu phong phú, mới mẻ.

taquangbao-1712.jpg
Tác phẩm "Phố núi."

Chia sẻ về triển lãm, ông nói ngắn gọn: “Mình còn sống là còn làm nghệ thuật, mà làm nghệ thuật là phải khám phá những gì mới mẻ.”

Trước câu hỏi vì sao lại là tranh sơn mài, ông trả lời đơn giản: “Vì đó là chất liệu hội họa độc đáo của dân tộc, có thể có những đóng góp xứng đáng cho hội họa thế giới như các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm... đã từng làm.”

Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam khẳng định nghệ sỹ Tạ Quang Bạo là người mà trong 60 năm qua đã tạo nên một thế giới tượng làm tự hào cho điêu khắc Việt Nam và trong 3 năm qua đã tạo thêm một thế giới tranh sơn mài làm tự hào cho hội họa Việt Nam.

taquangbao0-1507.jpg
Nghệ sỹ Tạ Quang Bạo (ngồi thứ ba từ trái sang) cùng người thân chụp ảnh tại triển lãm. (Ảnh:

“Dường như một cơn cuồng phong đã cuốn phăng Tạ Quang Bạo vào sơn mài để ông đắm mình trong đó rồi đem đến cho chúng ta một thế giới sáng tạo mới mẻ. Ông chỉ dùng sơn ta, không dùng sơn Trung Quốc, Nhật Bản… để tranh sơn mài Việt Nam thực sự Việt Nam ngay từ chất liệu,” ông Nguyễn Thế Khoa nhận định.

Triển lãm kéo dài đến 30/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.

Nghệ sỹ Tạ Quang Bạo sinh năm 1941, tại Thanh Hóa. Ông đã có những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng như “Vọng phu,” “Tiếng đàn,” “Giao duyên,” “Hội nghị Diên Hồng.” Ông là một trong những tác giả sáng tác nhiều tượng đài nhất ở Việt Nam. Các tác phẩm tượng đài của ông có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước; có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục.

Trong sự nghiệp của mình, ông đã đạt được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976, 1980; Giải Nhất Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc 1973-1983; Giải A Triển lãm Tranh, Tượng về đề tài Lực lượng Vũ trang năm 1984...

Với những cống hiến cho nền mỹ thuật nước nhà, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật năm 2016.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục