Ngày 13/11 (giờ địa phương), bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Trung tâm Hội nghị Moscone ở thành phố San Francisco (Mỹ), Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc đã trả lời phóng viên TTXVN đưa tin về hội nghị về các nội dung trọng tâm của sự kiện.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2023 bàn 4 vấn đề chính, bao gồm: phát triển bền vững, tài chính cho phát triển bền vững, tài sản số và mô hình kinh tế trọng cung.
Vấn đề phát triển bền vững tập trung vào sự chia sẻ giữa các quốc gia, giữa các nền kinh tế với nhau, đồng thời kiềm chế lạm phát, chuyển đổi năng lượng công bằng và chống biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề thị trường carbon và những vấn đề đảm bảo cho kinh tế bền vững.
Việt Nam khẳng định vị thế tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC
Việt Nam đang nỗ lực triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 và huy động nguồn lực tài chính quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong nước.
Vấn đề tài chính cho phát triển kinh tế bền vững là khâu kết nối và tạo điều kiện để các định chế tài chính, các tổ chức tài chính, các ngân hàng tham gia vào quá trình cung cấp nguồn kinh phí cho phát triển bền vững, đặc biệt là cung cấp nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu và chống phát thải khí nhà kính cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thị trường carbon phát triển, chuyển giao năng lượng công bằng và huy động các nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Về vấn đề nền kinh tế trọng cung, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các nội dung chủ yếu mà các đại biểu tham gia thảo luận tập trung vào cung ứng đầu tư cho nguồn nhân lực, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sự phát triển, chuyển giao khoa học-công nghệ đảm bảo cho việc phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch, tạo môi trường thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư tư nhân để đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững.
Đại diện cho Việt Nam tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam cam kết đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, ủng hộ chủ trương về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).
Chủ trương của Việt Nam đòi hỏi một nguồn tài chính rất lớn để thực hiện chuyển đổi số công bằng, thực hiện chống biến đổi khí hậu và phát thải nhà kính.
Đối với Việt Nam, nguồn kinh phí của JETP đã được cam kết là 15,5 tỷ USD và trong vòng 6 năm nữa phải có một lượng vốn như vậy. Việt Nam kêu gọi và có cơ chế để thu hút các nguồn đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo và giảm năng lượng hóa thạch, tập trung vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí hydro hay thủy điện…
Ngoài đầu tư tư nhân, Việt Nam cũng thu hút đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Đầu tư Phát triển châu Á (ADB) hoặc các ngân hàng châu Âu và các quỹ đầu tư, để thu hút đầu tư vào chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn như xây dựng hệ thống kè, đảm bảo cho phát triển rừng ngập mặn…, đảm bảo phát triển bền vững sau này và chuyển đổi năng lượng, đồng thời thúc đẩy thị trường carbon phát triển. Đề án này đã được chính phủ giao cho Bộ Tài chính xây dựng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, về vấn đề tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đề nghị các định chế tài chính thúc đẩy sớm các nguồn vốn đã được cam kết, triển khai một cách sớm nhất và cụ thể nhất. Sáng kiến của Việt Nam là đề nghị thúc đẩy các dự án, các chủ trương sao cho các dự án phải đi trước một bước để thực hiện việc giải ngân, cũng như thực hiện mục tiêu hoàn thành công trình một cách sớm nhất để tác động đến vấn đề phát triển bền vững, đặc biệt là năng lực.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đã thúc đẩy hợp tác, giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giải quyết các thách thức chung của toàn cầu và khu vực.
Các bộ trưởng tài chính APEC cũng đã bàn luận về chi phí nợ công tăng lên, giải pháp giải quyết trong trung hạn và ngắn hạn để đảm bảo xử lý thách thức trong vấn đề nợ công, kể cả về mặt lãi suất, số lượng phí nợ công và giải pháp đảm bảo cho nợ công không tác động nhiều đến tài khóa và thúc đẩy sự phát triển.
Các chủ đề khác cũng được đưa ra thảo luận như vấn đề liên quan đến nguồn kinh phí đầu tư chống biến đổi khí hậu và đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, đầu tư công bằng và đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vấn đề già hóa dân số tác động đến tài khóa, những giải pháp để giải quyết vấn đề này và vấn đề liên quan đến thuế để tăng nguồn lực của tài chính công.
Trong ngắn hạn, các quốc gia sau khi vượt qua đại dịch COVID-19 hầu như vẫn đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng như giảm thuế, tăng chi tiêu.
Tuy nhiên, trong dài hạn, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực công, nếu không tăng thuế suất, không mở rộng cơ sở thuế thì nguồn tài chính công sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, trong dài hạn, các chính phủ sẽ sửa đổi một số luật thuế, nâng thuế suất và một số cơ sở thuế sẽ được mở rộng, chẳng hạn như thuế VAT, những lĩnh vực chưa được thu hay lĩnh vực mới thu 5% thì có thể nâng lên 10%; hay thuế xuất-nhập khẩu, các suất thuế đưa gọn lại để đảm bảo thuận lợi trong quá trình cải cách thủ tục hành chính; hay thuế tiêu thụ đặc biệt, những khoản thuế ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng liên quan đến rượu, bia, thuốc lá… sẽ nâng thuế suất để đảm bảo ngăn chặn, hạn chế việc tiêu dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân./.