Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Việt Nam đã cử đoàn cấp cao do Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc dẫn đầu, tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng về gìn giữ hòa bình trong môi trường Pháp ngữ diễn ra trong các ngày 26-27/10 tại thủ đô Paris.
Đây là lần đầu tiên Pháp đăng cai hội nghị về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Cộng đồng Pháp ngữ.
Nội dung trọng tâm của hội nghị là huy động sự tham gia tích cực cộng đồng quốc tế nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của các phái bộ của Liên hợp quốc về gìn giữ hòa bình, cải thiện hiệu quả của các chiến dịch gìn giữ hòa bình tại các nước nói tiếng Pháp, đồng thời tìm giải pháp cho các thách thức đang đặt ra vào thời điểm hiện nay như sự gia tăng các cuộc chiến tranh và xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới.
Đồng chủ trì hội nghị là Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Hội nghị thu hút sự tham dự của 56 quốc gia và tổ chức quốc tế. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Hervé Ladsous, người phụ trách công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã tham dự và phát biểu. Nhiều nước không thuộc Cộng đồng Pháp ngữ cũng đã cử đại biểu tham dự.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra các phiên họp toàn thể và nhiều hội nghị bàn tròn thảo luận bốn chuyên đề là chuẩn bị lực lượng, đào tạo, trang bị và giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị toàn thể, Ngoại trưởng Pháp Ayrault đã đề cao những đóng góp to lớn của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, được gọi là lực lượng Mũ nồi Xanh, vào việc gìn giữ và thúc đẩy hòa bình thế giới. Theo ông, lực lượng này đến từ 123 quốc gia, đang gánh vác nhiều trọng trách ở những khu vực bất ổn, là những điểm nóng trên thế giới.
Ngoại trưởng Ayrault cho rằng việc tổ chức một hội nghị về gìn giữ hòa bình đối với Cộng đồng Pháp ngữ là cần thiết bởi vì đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong việc tiếp nhận các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Cụ thể, Liên hợp quốc đã dành hơn 60% lực lượng cảnh sát và quân sự và hơn 55% ngân sách hoạt động gìn giữ hòa bình để triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình tại các nước có nói tiếng Pháp.
Bảy trên tổng số 16 hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiện đang được triển khai tại các nước có sử dụng tiếng Pháp như Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Mali, Liban, Côte d’Ivoire...
Ngoại trưởng Ayrault cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Pháp trong sứ mệnh cao cả này. Theo ông, là một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hàng năm, Pháp đóng góp tài chính khoảng 500 triệu USD, đứng thứ năm trong số các quốc gia đóng góp ngân sách nhiều nhất cho việc gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đứng hàng thứ hai trong số các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đóng góp về quân số (gồm gần 900 cảnh sát và binh sĩ quân đội).
Pháp cũng là nước duy nhất trên thế giới triển khai các chiến dịch can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ lực lượng Mũ nồi Xanh của Liên hợp quốc tại nhiều nước châu Phi như chiến dịch Sangaris tại Cộng hòa Trung Phi, Barkhane tại Mali, Licorne tại Côte d’Ivoire.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp bên lề hội nghị, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết các nội dung thảo luận tại hội nghị đáp ứng đúng mối quan tâm của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, tích cực chủ động đóng góp vào các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế. Tại các phiên thảo luận, đoàn Việt Nam đã tích cực trao đổi nhằm học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Về các chương trình hợp tác với Pháp, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết kể từ năm 2013, khi quan hệ hai nước được nâng lên tầm đối tác chiến lược, Việt Nam và Pháp đã nỗ lực tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó hợp tác về gìn giữ hòa bình là một nội dung rất quan trọng.
Ông cũng cho biết là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hiểu được những đau thương và mất mát do chiến tranh gây ra, Việt Nam muốn tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình với tư cách là một thành viên nghiêm túc của cộng đồng quốc tế, nhằm tạo lập hòa bình tại những khu vực có xung đột. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong khi Pháp là một trong những nước đã tham gia rất nhiều các hoạt động gìn giữ hòa bình, vì vậy, Việt Nam rất mong học hỏi các kinh nghiệm của Pháp.
Vừa qua, các cơ quan chức năng của hai nước là Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Pháp đã soạn thảo một bản dự thảo về hợp tác giữa bộ Quốc phòng hai nước về nội dung gìn giữ hòa bình.
Theo dự kiến, tại Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Pháp họp vào tháng 11 sắp tới, bộ Quốc phòng hai nước sẽ đưa nội dung này vào thảo luận và ký kết. Đây sẽ là cơ sở quan trọng nhằm giúp Việt Nam tham gia tích cực hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới./.