Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tại tỉnh Quảng Ninh

Việt Nam có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân, đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Các đại biểu, chuyên gia trao đổi các vấn đề liên quan đến Chiến lược phát triển kinh tế tư nhân năm 2024 tại hội nghị ở Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)
Các đại biểu, chuyên gia trao đổi các vấn đề liên quan đến Chiến lược phát triển kinh tế tư nhân năm 2024 tại hội nghị ở Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 15/4, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) diễn ra hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp, tổ chức.

Hội nghị đưa ra bức tranh tổng quan về nguồn vốn và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.

Đây là một trong chuỗi các sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm tạo sự hợp tác, liên kết giữa mạng lưới khoa học và doanh nhân, cung cấp cơ sở dữ liệu và tham gia vào hệ sinh thái chuyên gia, doanh nhân, truyền thông trong Chiến lược phát triển kinh tế tư nhân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân.

Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tại Quảng Ninh là hoạt động đầu tiên của cộng đồng khoa học và doanh nhân Việt Nam hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

TTXVN_1504kinhtetunhan3.jpg
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thông tin thế giới đang bước vào một giai đoạn mới với sự phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 ở một mức cao chưa từng có.

Vì thế, doanh nghiệp, doanh nhân phải có chiến lược phát triển mới có thể tồn tại và hơn nữa là để doanh nghiệp Việt sánh vai với các doanh nghiệp trên thế giới.

Tại hội nghị, các diễn giả và doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý sẽ bàn thảo chuyên sâu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về như doanh nhân trẻ trong doanh nghiệp tư nhân vì sự phát triển của đất nước; vị trí, vai trò, giải pháp, tầm nhìn chiến lược phát triển; khoa học công nghệ trong tồn tại và phát triển doanh nghiệp; hệ sinh thái khoa học công nghệ doanh nghiệp, doanh nhân trẻ tư nhân; những thuận lợi khó khăn đề xuất phát triển giải pháp tháo gỡ.

Đồng thời, đề xuất những bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế, mô hình phát triển và kiến nghị áp dụng triển khai tại Việt Nam, những kiến nghị với Trung ương về giải pháp cụ thể sửa đổi hệ thống pháp luật vì chủ trương lớn của Đảng.

Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 lan tỏa đến cộng đồng khoa học-doanh nhân các chủ trương chính sách của quốc gia, với các nội dung xuyên suốt gồm giải pháp đa dạng nguồn vốn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân Việt Nam; Giải pháp liên kết khoa học và doanh nhân xây dựng chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia định hướng đến năm 2030; lãnh đạo bộ, ngành chia sẻ bài học kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh; Định hướng của Chính phủ và phát động liên kết mạng lưới cố vấn và chuyên gia của hệ sinh thái khoa học-doanh nhân vòng trong chính sách; giới thiệu chương trình tại các địa phương tiếp theo trong tổng thể chiến lược phát triển Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta)- Chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống: Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tiếp tục liên kết hợp tác 3 nhà: Chính quyền-doanh nghiệp-viện nghiên cứu, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái nghiên cứu truyền thông chính sách.

Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận những năm qua có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Đến nay, trên địa bàn có 16.981 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 346.642 tỷ đồng; trong đó, đã hình thành, phát triển một số doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô lớn, đang từng bước kinh doanh đa ngành và trở thành những quan trọng trong nền kinh tế.

Giai đoạn 2017-2023 tỉnh có 10.555 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình giai đoạn 2011-2016.

TTXVN_1504kinhtetunhan2.jpg
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

Đầu tư của kinh tế tư nhân tại Quảng Ninh không ngừng tăng, bình quân tăng trên 10,2%/ năm; tỷ trọng của kinh tế tư nhân chiếm khoảng 70% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đóng góp khu vực kinh tế tư nhân vào thu ngân sách nội địa chiếm khoảng 14-15% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Khu vực tư nhân góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh tế, mà cả về đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết lao động, việc làm.

Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên, trách nhiệm xã hội, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết hội nghị này sẽ góp phần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với các nhà khoa học, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục