Hội nghị G-20: Chưa có giải pháp cho vấn đề cấp bách

Hội nghị G-20 kết thúc mà không đưa ra được giải pháp cho các vấn đề cấp bách, ngoài việc cam kết tiếp tục kích thích kinh tế.
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Giám đốc Ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã bế mạc ngày 5/9 ở London.

Tuy nhiên, hội nghị lần này kết thúc mà không đưa ra được các giải pháp cụ thể nào cho các vấn đề cấp bách, ngoài việc cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế chừng nào còn cần thiết và hạn chế tiền thưởng trong khu vực ngân hàng.

Tuyên bố chung của hội nghị khẳng định các chính sách kích thích kinh tế đặc biệt, kiên quyết và có phối hợp được thực hiện trong trong năm vừa qua giữa chính phủ các nước đã có tác dụng ngăn chặn đà suy thoái kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu, ổn định các thị trường tài chính và cải thiện nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, do triển vọng tăng trưởng và việc làm, đặc biệt tác động của các vấn đề này đối với những nước có thu nhập thấp, hiện chưa ổn định, G-20 tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cũng như các chính sách tiền tệ-tài chính cần thiết để giữ cho nền kinh tế thế giới phát triển đúng hướng.

Những biện pháp này phải được thực hiện dựa trên những kinh nghiệm đã đạt được và những thách thức phải đối phó. G-20 cũng nhất trí chuẩn bị các chiến lược rõ ràng và an toàn để ngừng các chính sách kích thích khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi chắc chắn.

Hội nghị G-20 tái khẳng định cam kết cải tổ hệ thống tài chính quốc tế nhằm tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, hỗ trợ sự tăng trưởng lâu dài và tạo điều kiện để các nước đang phát triển có tiếng nói nhiều hơn trong các thể chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). G-20 đề nghị hoàn tất quá trình cải tổ WB vào mùa xuân năm 2010 và IMF vào tháng 1/2011.

Không đề cập trực tiếp đề xuất của Mỹ muốn đạt thỏa thuận quốc tế về vốn dự trữ của các ngân hàng vào cuối năm 2010, tuyên bố của G-20 chỉ kêu gọi đưa ra những quy định tài chính chặt chẽ hơn, bao gồm việc yêu cầu các ngân hàng phải huy động vốn nhiều và hiệu quả hơn khi kinh tế thế giới phục hồi.

Về vấn đề tiền thưởng trong khu vực ngân hàng, G-20 kêu gọi tăng cường công khai và minh bạch về mức độ và cơ cấu tiền thưởng, đề ra các quy định mang tính toàn cầu về cơ cấu tiền thưởng.

Hội nghị nhất trí giao cho Ủy ban ổn định tài chính, một tổ chức quốc tế được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng tư vừa qua, soạn thảo những đề xuất cụ thể liên quan vấn đề này để trình Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Mỹ vào cuối tháng này. Hội nghị gợi ý tiền thưởng phải được gắn với kinh doanh lâu dài của công ty và phải được phân phát theo nhiều kỳ, chứ không theo "một cục", nếu không sẽ bị tịch thu.

G-20 cam kết từ tháng 3/2010 sẽ áp dụng các "biện pháp phản công" nhằm vào các "thiên đường trốn thuế", đảm bảo để các nước đang phát triển được lợi từ chính sách minh bạch về thuế, có thể thông qua một công cụ đa phương. G-20 kêu gọi Ủy ban ổn định tài chính công bố tiêu chí và sai phạm liên quan minh bạch về thuế vào tháng 9/2009.

Đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, G-20 khẳng định đây là một vấn đề cấp bách đồng thời cam kết sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo thành công cho hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ở Hy Lạp vào cuối năm nay./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục