Hội nghị Nam-Nam hướng tới các trung tâm tri thức

Hội nghị nhìn nhận vai trò của trao đổi tri thức trong các chương trình phát triển quốc gia, nhu cầu học hỏi trong tình hình hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, hơn 290 nhà hoạch định chính sách và đại biểu của 46 quốc gia đang phát triển ngày 10/7 đã bắt đầu hội nghị quan chức cấp cao về hợp tác Nam-Nam. Hội nghị kéo dài hai ngày tại Bali (Bali, Indonesia), do Chính phủ Indonesia, Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức.

Với chủ đề “Hướng tới các trung tâm tri thức do quốc gia lãnh đạo,” các đại biểu tập trung trao đổi tri thức về quản lý và phát triển trong bối cảnh hợp tác Nam-Nam; thảo luận các cơ hội, thách thức và kinh nghiệm xây dựng và liên kết các “Trung tâm tri thức” để tập hợp, xây dựng một mạng lưới trao đổi tri thức chuyên gia mang tính hệ thống hơn, vì sự phát triển tốt hơn của các quốc gia.

Hội nghị nhìn nhận vai trò thiết yếu của trao đổi tri thức trong các chương trình phát triển quốc gia, cũng như nhu cầu học hỏi, liên kết với nhau giữa các nước và khu vực trong tình hình hiện nay.

Trợ lý Tổng Thư ký UNDP kiêm Giám đốc UNDP khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ajay Chhibber khẳng định sự cần thiết phải xây dựng những ngân hàng tri thức phục vụ sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và các nguồn lực từ những nơi đã phát triển hiện nay đến những nơi có thể vận dụng được, để những tri thức đó sẵn sàng đáp ứng một giải pháp trao đổi toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng thống Indonesia Boediono cho biết Indonesia sẵn sàng trở thành một trung tâm tri thức cho hợp tác Nam – Nam trên ba lĩnh vực: các vấn đề phát triển liên quan đến an ninh năng lượng và lương thực, hoạt động giảm nhẹ thiên tai ở cấp độ cộng đồng dân cư; xây dựng hoà bình và quản trị; quản lý kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Armida Alisjahbana nhấn mạnh trao đổi tri thức là một công cụ chính yếu đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển và tăng cường năng lực quốc gia. Các nước đang phát triển có nhiều kinh nghiệm, mô hình hay có thể được chia sẻ, nhân rộng.

Bởi vậy, chính phủ và cơ quan thực thi chính sách tới từ các nước đang phát triển cần học tập lẫn nhau. Chẳng hạn, trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu có dịp tìm hiểu về vấn đề hợp tác doanh nghiệp của Singapore hay trung tâm chuyển giao kỹ thuật và nghiên cứu nông nghiệp của Brazil.

Hội nghị sẽ ra Tuyên bố Bali, khẳng định tầm quan trọng và vai trò của chia sẻ tri thức trong hợp tác Nam – Nam; khuyến khích các nước và thể chế, các đối tác phát triển khu vực và đa phương, tổ chức xã hội dân sự, học giả và khu vực tư nhân đẩy mạnh cam kết về phát triển các trung tâm tri thức./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục