Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc: Các nước đưa ra cam kết

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố sẽ tăng gấp đôi khoản tiền cho quỹ bảo vệ khí hậu toàn cầu, từ 2 lên 4 tỷ euro (tương đương 4,4 tỷ USD).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 23/9, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo Berlin sẽ tăng gấp đôi ngân sách dành cho một quỹ của Liên hợp quốc để hỗ trợ các nước kém phát triển giải quyết những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Đức hiểu rõ trách nhiệm của chúng tôi ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi khoản tiền cho quỹ bảo vệ khí hậu toàn cầu, từ 2 lên 4 tỷ euro (tương đương 4,4 tỷ USD). Chúng tôi cũng đang thảo luận về chính sách bảo hiểm khí hậu và sẽ tiếp tục các hoạt động bảo vệ rừng trong thời gian tới.” 

Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có bài phát biểu tại hội nghị, trong đó ông nhấn mạnh tới phong trào chung của người dân trên toàn cầu và một giải pháp toàn diện là những yếu tố cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng hiện nay.

[Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc]

Theo Thủ tướng Modi, những nỗ lực của các quốc gia cho vấn đề biến đổi khí hậu vào lúc này là “chưa đủ,” trong khi rất cần một giải pháp tiếp cận toàn diện ở cấp độ toàn cầu để có thể thay đổi hành vi của mọi người.

Thủ tướng Modi nói: “Thời gian để thảo luận đã kết thúc, thế giới cần hành động ngay lúc này. Tại Ấn Độ, chúng tôi đang khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch. Chúng tôi cũng cung cấp khí gas sạch tới 150 triệu hộ gia đình. Trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ tăng cường khả năng cung cấp năng lượng tái tạo.”

Cũng tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày quan điểm về việc các nước cân đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào trong chương trình nghị sự khi thảo luận các chính sách thương mại hay tài chính.

Tổng thống Macron khẳng định: “Chúng ta cần có một chương trình nghị sự về thương mại phù hợp với chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu. Cần phải hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có thể làm ô nhiễm môi trường, trong khi cần tìm cách tăng ngân sách cho những dự án làm sạch môi trường ở các nước.”

Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng hối thúc các nước tăng mức đóng góp cho Quỹ Môi trường Xanh - quỹ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu. Theo Tổng thống Macron, quỹ này đang có ngân sách 7 tỷ USD và mục tiêu trong thời gian tới là 10 tỷ USD.

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tuyên bố nước này sẽ phấn đấu trở thành nền kinh tế công nghiệp đầu tiên trên thế giới có mức khí thải carbon âm. Theo thông báo, Phần Lan đặt lộ trình từ nay tới năm 2033 để thực hiện cam kết này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục