Từ ngày 3-9/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về nhiều nội dung quan trọng của đất nước, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao chủ trương lớn này của Đảng, đồng tình với quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ở Quảng Ninh, Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo làm mũi đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Dương cho biết Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo phải gắn với đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa-hiện đại hóa-đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu tỉnh.
Nghị quyết cũng nêu rõ phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn liền với phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu kinh tế thực sự trở thành những động lực tăng trưởng; chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” khu công nghiệp-khu đô thị-khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt, tạo môi trường làm việc, môi trường sống văn minh, an toàn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
[Hội nghị TW 6: Tin tưởng, ủng hộ công tác phòng chống tham nhũng]
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh đã tăng lên rõ rệt, đang dần tiến tới mục tiêu đã đề ra. Bình quân 2 năm, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt xấp xỉ 19% (cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết 01 là 17%/năm).
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung rà soát, đánh giá lại việc hỗ trợ nhà đầu tư bên trong khu công nghiệp liên quan đến vật liệu san lấp, hạ tầng điện, nước; xử lý nước thải ngoài hàng rào; quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân, việc kết nối các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh khu công nghiệp; hướng đầu tư hạ tầng kết nối từ nguồn ngân sách cho các khu công nghiệp.
Đồng thời, Quảng Ninh đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Thị xã Quảng Yên đang là địa phương có nhiều nhà đầu tư nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh. Cơ cấu khu vực công nghiệp-xây dựng của Quảng Yên tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế tăng nhanh.
Quảng Yên có nhiều sản phẩm công nghiệp chế tạo mới, giá trị cao. Giá trị sản xuất tại các khu công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn 9 tháng của năm 2022 đạt 9.486 tỷ đồng, chiếm 88% tổng giá trị ngành công nghiệp trên địa bàn thị xã, tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Quảng Yên Phạm Lê Hưng cho biết địa phương đã có các giải pháp để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là tập trung huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; tiếp tục cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đạt kết quả tích cực để không ngừng thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Đồng thời, địa phương thường xuyên tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án về mặt bằng, thủ tục hành chính, tuyển dụng lao động, quy hoạch, bảo đảm an ninh trật tự...
Nhờ các giải pháp này, năm 2022, Quảng Yên đã có thêm 7 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký 102,16 triệu USD và 2.889,316 tỷ đồng. Đây sẽ là nền tảng để xây dựng Quảng Yên trở thành thành phố trước năm 2025./.