Trong khuôn khổ Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 do Tập đoàn Nikkei Inc tổ chức ngày 5/6 tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã nhấn mạnh tới sự ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực trong bối cảnh gia tăng xu thế bảo hộ mậu dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei Inc, Naotoshi Okada đặt câu hỏi để duy trì sự ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực, các nước châu Á cần làm gì để ngăn chặn xu thế chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Ông Naotoshi bày tỏ tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo, các chuyên gia sẽ có các trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cảnh báo quan điểm đang gia tăng cho rằng sự hội nhập kinh tế tại phương Tây không phải là mối quan tâm của châu Á. Ông nhấn mạnh hiện là thời điểm châu Á cần phải gánh vác vai trò thực hiện thương mại tự do và bình đẳng, gặt hái các thành quả của toàn cầu hóa mang lại và định hình một chương trình toàn cầu mới.
Ông kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản, hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á, hợp tác để cùng dẫn dắt sự hội nhập kinh tế và tự do thương mại trong khu vực. Cựu Thủ tướng Singapore cũng kêu gọi Nhật Bản gánh vác vai trò tiên phong trong việc xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mở cửa cho Trung Quốc gia nhập thỏa thuận này.
[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mở đầu Hội nghị Tương lai châu Á]
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một thể chế thương mại đa phương khác với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN.
Ông cho rằng RCEP có thể trở thành một hiệp định chất lượng cao bằng việc xây dựng những quy định như của TPP. Đối với TPP, Thủ tướng Abe khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực để thực thi hiệp định này.
Tại hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cam kết ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập khu vực. Ông khẳng định cùng với RCEP, ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết mang tính chất toàn cầu với các đối tác hiệp định tự do thương mại cũng như các nước khác. ASEAN hướng tới thương mại với thế giới theo cách thức mở. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh xu thế chống lại toàn cầu hóa và tự do thương mại đang gia tăng, ASEAN được xem là động lực cho một khu vực mở.
Trong phiên thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tiếp tục thảo luận về tác động tiêu cực của xu thế chống lại toàn cầu hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là khách mời danh dự của hội nghị năm nay, đã tham dự và phát biểu mở đầu./.