Hội nghị về xúc tiến đầu tư Việt Nam và Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ hai.
Tiếp tục chương trình chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Campuchia, sáng 24/4, tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ hai.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và gần 200 doanh nghiệp hai nước.

Tại hội nghị, hai bên đã kiểm điểm, đánh giá lại tình hình đầu tư của Việt Nam vào Campuchia và đề xuất các khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời để các cơ quan chức năng hai nước có biện pháp hỗ trợ, giúp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước kể từ Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ nhất, coi đây là cơ sở để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thời gian tới, phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ hai phía.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ hai có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đây sẽ là kênh trao đổi thường xuyên của hai bên với cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Nêu rõ những tiềm năng, thế mạnh về đầu tư và thương mại giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành kinh doanh đầu tư tại Campuchia cần tuân thủ luật pháp, phong tục truyền thống của nước bạn.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động tại Campuchia không chỉ vì lợi nhuận, mà phải quan tâm tới công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; đóng góp cho sự phát triển của Campuchia; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước; góp phần giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Chính phủ Việt Nam quyết tâm thúc đẩy và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài nói chung và tại Campuchia nói riêng.”

Về phần mình, Thủ tướng Campuchia  Samdech Hun Sen khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của hội nghị, bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào việc củng cố tình hữu nghị truyền thống, hợp tác song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước, hai dân tộc.

Ông cũng nhấn mạnh với các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư có lợi, đồng thời thông báo Chính phủ Campuchia đang tiếp tục tiến hành cải tổ trên một số lĩnh vực nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhất là những lĩnh vực mà Campuchia có thế mạnh như viễn thông, trồng cao su, khoáng sản, thủy điện.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đề nghị các cơ quan nhà nước hai bên cần nhanh chóng xây dựng mới hoặc đẩy nhanh việc triển khai các hiệp định, thỏa thuận song phương như: sớm đàm phán và ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, hợp tác trong lĩnh vực trồng cây cao su.

Bộ trưởng cũng đề nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và cải cách các thủ tục hành chính, đồng thời nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cảng, điện, hệ thống thủy nông để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực này.

Đại diện Hội đồng phát triển Campuchia và Phòng Thương mại Campuchia đã giới thiệu chiến lược phát triển kinh tế, những lĩnh vực quan trọng, chính sách ưu đãi đầu tư và nhắc lại cam kết của Hội đồng phát triển Campuchia đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia.

Trong những năm qua, quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, hai bên đã ký hơn 60 văn kiện pháp lý về hợp tác song phương trên hầu hết các lĩnh vực và hình thành các cơ chế hợp tác cần thiết, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển của hai nước. Từ đó, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng nhanh chóng, kim ngạch song phương tăng đều hàng năm. Cụ thể, năm 2006 đạt 950 triệu USD, năm 2007 đạt 1,18 tỷ USD, năm 2008 đạt 1,65 tỷ USD, năm 2009 đạt 1,33 tỷ USD, năm 2010 đạt hơn 1,8 tỷ USD.

Nhận thức được những nhân tố thuận lợi và khó khăn của mỗi nước, hai bên đã chủ động tích cực triển khai, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, phối hợp mở và nâng cấp một số khu kinh tế cửa khẩu, chợ đường biên.

Đến nay, Việt Nam có 87 dự án đầu tư đã và đang chuẩn bị triển khai ở Campuchia với tổng số vốn trên 2 tỷ USD, qui mô đạt 22,9 triệu USD/dự án và đứng thứ ba trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia. Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực trọng điểm như viễn thông, hàng không, nông nghiệp, trồng cao su, năng lượng, thủy điện, khai khoáng, ngân hàng.

Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chứng kiến lễ ký các biên bản ghi nhớ về xúc tiến và quản lý đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng phát triển Campuchia, cấp giấy phép đầu tư cho dự án thủy điện Hạ Sê San 2 và khai thác quặng sắt giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp-Năng lượng và Mỏ Campuchia.

Hai Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ trao giấy phép cho một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia  Samdech Hun Sen đã đến dự và cắt băng khai trương Công ty chứng khoán Việt Nam-Campuchia.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời thủ đô Phnom Penh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Campuchia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục