Italy hồi tháng 3/2020 từng được coi là một trong những quốc gia thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất nhằm đối phó với làn sóng COVID-19 đầu tiên ở châu Âu, cụ thể là áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên phạm vi toàn quốc trong vòng 3 tháng.
Chính lệnh phong tỏa này đã góp phần chặn đứng đà lây lân của dịch bệnh, song cũng khiến nền kinh tế vốn đã mong manh của Italy ngày càng lao đao hơn.
Giờ đây, với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đất nước hình chiếc ủng đã vượt con số 1 triệu, ít nhất 4 vùng trên tổng số 20 vùng của Italy đang được xác định là “vùng đỏ,” phải áp đặt lệnh phong tỏa cục bộ.
Các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng, cửa hiệu ở những "vùng đỏ" này đều bị đóng cửa.
[Bộ trưởng Y tế Italy cảnh báo cần sớm áp đặt hạn chế chống dịch mới]
Có tới 7 vùng khác cũng đang trong tình trạng nguy hiểm, được xếp vào diện “vùng cam.” Lệnh giới nghiêm ban đêm hiện đã được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Chính điều này đang khiến người dân Italy ngày càng lo ngại về những tác động kinh tế và khả năng phải quay lại với những hạn chế nghiêm ngặt hơn trong đời sống hằng ngày giống trước đây.
Ông Alberto Visentini, 61 tuổi, chủ một cửa hàng bán đồ thể thao ở Milan, chia sẻ mặc dù chính phủ chưa có chủ trương đóng cửa hoàn toàn, nhưng mọi người đều ý thức được rằng Italy cần phải thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một lần nữa. Và hậu quả chắc chắn là nhiều doanh nghiệp sẽ không thể vượt qua được đợt phong tỏa mới này.
Mới chỉ 9 tháng trôi qua kể từ khi một công dân 38 tuổi ở thị trấn gần thành phố Milan được ghi nhận là bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại Italy.
Mặc dù lúc đầu Italy tỏ ra hơi chậm trễ trong đối phó với làn sóng COVID-19 thứ nhất, nhưng nước này ngay sau đó đã nhanh chóng đạt được những thành công đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt, cộng thêm ý thức khá tốt của người dân.
Báo chí quốc tế lúc đó đã dồn dập đăng tải hình ảnh người dân Italy sống trong phong tỏa và cứ mỗi chiều tối lại ra ban công cất vang tiếng hát động viên lẫn nhau với niềm tin “mọi thứ rồi sẽ ổn.”
Giờ đây, nhiều khu vực, chiếm khoảng một phần ba nền kinh tế đất nước, đang bị áp đặt các lệnh phong tỏa cục bộ. Người dân phần lớn đều cảm thấy mệt mỏi do dịch bệnh kéo dài. Và không còn cảnh người dân cất cao tiếng hát như trước.
Một số bộ phận ở miền Bắc thậm chí còn tỏ ý “phàn nàn,” thậm chí là xuống đường phản đối, sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte ban hành sắc lệnh phong tỏa một số vùng ở khu vực này cũng như đóng cửa phần lớn các hoạt động kinh tế tại đây.
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch từ Rome cho đến Florence lo ngại khả năng du khách sẽ không quay trở lại.
Một số người dân còn cảm thấy “chán ngán” lệnh giới nghiêm về đêm, bắt đầu từ 22 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau.
Italy ngày 11/11 đã ghi nhận thêm 32.961 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này kể từ khi bùng phát đại dịch lên 1.028.424 ca.
Tính đến ngày 10/11, số bệnh nhân COVID-19 ở Italy đã chiếm tới 37% số giường trong các phòng điều trị tích cực và chiếm tới 52% số giường trong các bệnh viện, gần bằng với mức đỉnh của hồi mùa Xuân vừa qua.
Trên cả nước, hiện đang có 29.444 người phải nhập viện do COVID-19. Tổng cộng cho đến nay, Italy cũng đã ghi nhận tới 42.953 ca tử vong do dịch bệnh này gây ra.
Trong khi đó, các quan chức chính phủ vẫn đang cân nhắc khả năng áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc lần thứ hai.
Giới chuyên gia y tế cho rằng sẽ phải mất ít nhất hai tuần để đánh giá hiệu quả của các biện pháp hạn chế hiện nay, nhưng có lẽ tác động của chúng đối với nền kinh tế khá rõ ràng.
Tại thành phố Milan, vốn được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước, các nhà kinh doanh bán lẻ, trung tâm thương mại, nhà hát, rạp chiếu phim đều bị đóng cửa. Nhiều khu vực trước đây thường khá sầm uất, chẳng hạn như phố thời trang Monte Napoleone, giờ trở nên vắng vẻ lạ thường.
Khoảng 100.000 doanh nghiệp bán lẻ ở vùng Lombardy, bao quanh thành phố Milan, cũng trong tình cảnh tương tự.
Những tác động do các lệnh phong tỏa cục bộ của chính phủ còn được cảm nhận ở miền Nam, dù cho các biện pháp hạn chế ở đó là ít nghiêm ngặt hơn.
Ngành du lịch lao dốc cộng thêm những hạn chế về đi lại giữa một số vùng đã khiến cho Italo, một trong hai hãng xe lửa tốc độ cao của Italy, phải hủy bỏ hầu hết các dịch vụ và tạm thời cho nghỉ phần lớn trong tổng số 1.500 nhân viên.
Tại thủ đô Rome, do phải đối mặt với tình trạng không có du khách, có tới 1.000 trong tổng số 1.200 khách sạn phải đóng cửa.
Ông Walter Pecoraro, chủ khách sạn 4 sao Cosmopolita ở gần trung tâm thành phố, tâm sự sau đợt phong tỏa toàn quốc hồi đầu năm, khách sạn của ông đã “nỗ lực hết sức” để mở cửa trở lại, nhưng rồi cũng lại phải đóng cửa sau đó một tháng. “Không biết liệu khi nào hoặc liệu chúng tôi có còn có khả năng mở cửa trở lại nữa hay không,” ông Walter Pecoraro nói với giọng buồn bã.
Ý thức được những khó khăn của các doanh nghiệp, Chính phủ Italy hiện đang tung thêm một khoản cứu trợ bổ sung 8 tỷ euro (9,5 tỷ USD) để hỗ trợ số doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa đủ.
Một lệnh phong tỏa toàn quốc mới sẽ khiến Italy tổn thất khoảng 10 tỷ euro mỗi tháng và điều đó sẽ buộc Thủ tướng Conte phải đề nghị quốc hội nới rộng thâm hụt ngân sách vào năm tới.
Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng như hiện nay, một số ý kiến cho rằng việc chính phủ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ bị sụt giảm 10,5% trong năm nay và tăng trưởng 1,8% vào năm 2021 là quá lạc quan.
Thậm chí một số chuyên gia nhận định nợ công của Italy có thể dễ dàng sớm vượt quá mức 160% GDP.
Chính phủ Italy hiện vẫn tìm cách tránh việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc như hồi đầu năm. Tuy nhiên, số ca nhiễm gia tăng đang khiến hệ thống y tế căng thẳng. Giới chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ cần ban hành những biện pháp hạn chế cứng rắn hơn nữa trên phạm vi cả nước.
Một số bác sỹ ở Italy thậm chí còn cảnh báo nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp diễn, Italy có thể phải hứng chịu thêm 10.000 ca tử vong vào tháng tới.
Phó Chủ tịch Liên đoàn bác sỹ Italy Giovanni Leoni, cho biết: “Chúng tôi cần một lệnh phong tỏa toàn quốc như hồi tháng 3 và tháng 4/2020, có lẽ trong vòng từ 2 tuần đến một tháng, nhằm hạ thấp tỷ lệ nhiễm bệnh.”
Thủ tướng Conte cho biết ông đang chờ để đánh giá xem liệu những biện pháp hạn chế được ban hành mới đây có giúp làm giảm đường cong dịch bệnh trong vài ngày tới hay không.
Mặc dù thừa nhận tình hình hiện đang nghiêm trọng, nhưng Thủ tướng Conte nhấn mạnh khả năng phong tỏa toàn quốc không nên được coi là lựa chọn đầu tiên bởi vì tổn thất do nó gây ra là quá cao.
Có thể thấy cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn chưa buông tha Italy, nước châu Âu đầu tiên bị virus SARS-CoV-2 tấn công.
Trong làn sóng COVID-19 mới này, "bài toán" phong tỏa toàn quốc trở nên hóc búa, nan giải hơn đợt dịch đầu tiên, thử thách đối với chính phủ và người dân Italy cũng khắc nghiệt hơn nhiều, khi những tổn thương do đợt dịch đầu tiên gây ra cho đời sống kinh tế-xã hội ở "đất nước hình chiếc ủng" vẫn chưa lành.
Một lần nữa, Thủ tướng Conte lại kêu gọi mỗi người dân phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, như một điểm tựa để đất nước vượt qua thử thách mới này./.