"An ninh hàng hải tại Đông Á" là chủ đề hội thảo quốc tế diễn ra ngày 30/9 tại Brussels, Vương quốc Bỉ.
Đây là sự kiện do Viện Nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS) phối hợp với Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản tổ chức.
Tham dự hội thảo gồm các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh, an toàn hàng hải của Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Liên minh châu Âu (EU). Đây là cơ hội để các học giả và các nhà hoạch định chính sách trao đổi về một chủ đề mà cả châu Âu và khu vực Đông Á đều quan tâm.
Dưới sự điều hành của Tiến sĩ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, bà Theresa Fallon, chuyên gia EIAS và ông Toshiro Iijima, Phó Tổng giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, các diễn giả đã tập trung thảo luận về ý nghĩa toàn cầu của lĩnh vực hàng hải ở Đông Á; những diễn biến mới đây ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; khía cạnh pháp lý về hàng hải tại Đông Á và các khu vực tiềm năng hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển.
Trong thời gian qua, các vấn đề biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đã nổi lên như một trong những vấn đề an ninh quan trọng nhất trong khu vực Đông Á, thu hút sự chú ý của các cường quốc chiến lược và buộc các nước này phải điều chỉnh chính sách đối với khu vực trong bối cảnh của một thay đổi trật tự khu vực.
Các tranh chấp đã vượt ra khỏi không gian hàng hải và bất ổn trong khu vực có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Bruno Hellendroff thuộc Nhóm nghiên cứu và thông tin về hòa bình và an ninh (GRIP) cho biết rất nhiều quốc gia, trong đó có các nước thành viên của EU, có lợi ích an ninh hàng hải ở Đông Á, đặc biệt khi EU và ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược.
EU rất quan ngại về những bất ổn trên Biển Đông. Do vậy, việc duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung, và đảm bảo tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế là vô cùng cần thiết.
Theo chuyên gia Nicolas Gosset thuộc Trung tâm nghiên cứu về an ninh và quốc phòng, để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, các bên liên quan cần phải tiến hành đàm phán hòa bình.
Trong trường hợp cần thiết, có thể nhờ đến Tòa án quốc tế. Ông cũng đánh giá cao lập trường và quan điểm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến Biển Đông.
Trong khi đàm phán giữa các chính phủ vẫn chưa đạt tiến bộ đáng kể để giải quyết các tranh chấp, các cuộc thảo luận cấp chuyên gia có thể đưa ra các khuyến nghị để quản lý hiệu quả tình trạng này.
Các đại biểu đều nhất trí để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải hiện nay cần phải tôn trọng luật biển, chủ quyền cũng như lợi ích của các quốc gia ven biển. Không được dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp./.