Hội thảo quốc tế về Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018

Các đại biểu được cập nhật Báo cáo thực trạng an toàn thông tin Việt Nam 2018 cùng tham luận của các tập đoàn lớn về điện toán đám mây dựa trên công nghệ AI phục vụ cho thực hiện cách mạng 4.0.

Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018 đã chính thức khai mạc ngày 30/11 tại Hà Nội với sự tham dự của 500 khách mời, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia và tập đoàn lớn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.

Đây là sự kiện quy mô lớn, nổi bật nhất trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.

Hội thảo năm nay có chủ đề “An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh qua 11 năm tổ chức, Ngày An toàn thông tin Việt Nam đã trở thành sự kiện thường niên quan trọng, diễn đàn quốc tế lớn nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về an toàn thông tin.

[Hơn 8.000 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam trong 3 quý năm 2018]

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng để thúc đẩy công tác đảm bảo thông tin, an toàn, an ninh mạng, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cần quan tâm cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho cán bộ, hệ thống kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng điều kiện phòng, chống các cuộc tấn công mạng.

Theo Thứ trưởng, cộng đồng doanh nghiệp an toàn thông tin cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phòng chống hiệu quả hơn các nguy cơ tấn công mạng liên tục thay đổi.

Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẻ để gắn kết thành cộng đồng mạnh, thể hiện sức mạnh của thương hiệu Việt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cần tiếp tục thể hiện vai trò trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng; thực hiện tốt hơn vai trò hạt nhân trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam.

Hiệp hội cũng cần đẩy mạnh hoạt động gắn kết cộng đồng doanh nghiệp an toàn thông tin nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Trong phiên toàn thể, các đại biểu được cập nhật Báo cáo thực trạng an toàn thông tin Việt Nam 2018 và các chỉ số đánh giá của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cùng tham luận của các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế (Amazon, Google, Cisco, Huawei, Jiral, Viettel...) về các vấn đề bảo vệ thông tin người dùng, bảo đảm an toàn thông tin cho IoT (Internet vạn vật kết nối), điện toán đám mây dựa trên công nghệ AI phục vụ cho thực hiện cách mạng 4.0 tại Việt Nam…

Ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, nhận định xu hướng phát triển an toàn thông tin mạng của Việt Nam là tích cực mặc dù tốc độ phát triển an toàn thông tin chưa nhanh. Việt Nam mới chỉ đạt chỉ số an toàn thông tin ở mức trung bình. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng là nhóm phát triển năng lực an toàn thông tin hàng đầu nhưng chất lượng chưa đều.

Theo ông Khánh, các khâu tổ chức quản lý, thực thi chính sách, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm đảm bảo an toàn thông tin mạng còn yếu. Đặc biệt, vấn đề về hiệu quả hoạt động thực tiễn đảm bảo an toàn thông tin mạng là một điểm yếu chung cần tập trung hoàn thiện, nâng cấp.

Ông Chang Yong Son, Phó Giám đốc Cơ quan an toàn thông tin mạng, Bộ Công nghệ, Thông tin, Truyền thông và Kế hoạch phát triển Hàn Quốc, cho rằng mỗi quốc gia cần tập dượt thường xuyên cách thức đối phó với các hình thức tấn công an ninh mạng mới. An toàn an ninh mạng là vấn đề chung nên mỗi quốc gia cần tăng cường truyền thông, đề cao vai trò của an ninh mạng; tích cực hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu trong việc bảo vệ an ninh mạng…

Chiều 30/11, các đại biểu sẽ tham dự 2 phiên hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, IoT và bảo mật dữ liệu; công nghệ AI, điện toán đám mây và bảo đảm an toàn thông tin.

Nhân dịp này còn diễn ra triển lãm với 25 gian hàng của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong, ngoài nước nhằm giới thiệu các sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin tiên tiến nhất.

Đặc biệt, năm nay tại triển lãm có khu vực trình diễn công nghệ an toàn thông tin dành riêng cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kỹ sư về an toàn thông tin giới thiệu sản phẩm, demo công cụ mới nhất về bảo mật, an toàn thông tin...

Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018 có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thông tin, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn thông tin, khuyến khích ứng dụng, phát triển sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin nội địa.

Đáng chú ý, năm nay có thêm chương trình bình chọn danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc” nhằm khuyến khích các sản phẩm an toàn thông tin mới, có tính sáng tạo cao.

Danh hiệu này được trao cho các sản phẩm an toàn thông tin nội địa mới, là kết quả nghiên cứu , phát triển có chất lượng cao, đang trong quá trình thương mại hóa và cung cấp ra thị trường.

Trong đó, 4 sản phẩm đạt an toàn thông tin chất lượng cao năm 2018; 8 dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu năm 2018; 7 sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc năm 2018.

Dịp này, Ban Tổ chức cũng trao giải cho 3 đội xuất sắc nhất của cuộc thi “Sinh viên với an toàn thông tin năm 2018" với giải Nhất thuộc về đội của Đại học FPT./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục