Hội thảo quốc tế về việc quy hoạch thủ đô Hà Nội

Hội thảo về quy hoạch Hà Nội với các chuyên đề lớn như bảo tồn di sản, phát triển đô thị... đã thu hút sự quan tâm của đại biểu quốc tế.
Ngày 12/10, tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trường đại học Hawaii (Mỹ) và Tổ chức định cư Liên hiệp quốc (UNHABITAT) đồng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Hà Nội thiên niên kỷ - Thành phố quá khứ và tương lai.”

Hội thảo này mang nhiều ý nghĩa liên quan đến công tác quy hoạch, thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia cùng nước chủ nhà Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào các chuyên đề lớn như thành phố trong quá trình chuyển đổi; bảo tồn các di sản; biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững; di dân và sự thay đổi về hình thái quy hoạch-kiến trúc đô thị; tham gia của cộng đồng trong quy hoạch; chuyển đổi vùng ngoại thành; thành phố sống tốt; giao thông, môi trường và quy hoạch vùng đô thị...

Ban tổ chức công bố có gần 50 bài tham luận đóng góp cho hội thảo được thực hiện bởi các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế cùng nhiều nhà quản lý, lãnh đạo hội nghề.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, với bề dày lịch sử 1.000 năm, Thăng Long-Hà Nội luôn phát triển theo cấu trúc đô thị đặc thù của phương Đông - đô thị là kinh đô (kể cả thời gian kinh đô chuyển vào Huế).

Những biến đổi thăng trầm qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước không chỉ thể hiện ở lĩnh vực kinh tế-chính trị-xã hội mà còn để lại dấu ấn qua cấu trúc đô thị.

Thời kỳ Pháp thuộc tuy không dài nhưng đã là thời kỳ Hà Nội được mở rộng về quy mô lẫn diện tích và dân số. Sự quy hoạch bài bản cũng mang đến sự thay đổi diện mạo đô thị.

Thời kỳ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay là giai đoạn Hà Nội chuyển biến mạnh cả về quy mô và chất lượng đô thị.

Ranh giới Hà Nội đã có những lần được điều chỉnh lớn, từ 151km2 năm 1954 lên 586km2 vào năm 1961 và nâng lên quy mô 2.136km2 trong năm 1978. Tuy nhiên, 13 năm sau (năm 1991), Hà Nội lại thu nhỏ hơn với diện tích 921km2.

Đặc biệt, đến tháng 8/2008, thủ đô Hà Nội được mở rộng lên đến 3.344km2. Đây cũng chính là thời kỳ công tác quy hoạch luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Thời điểm này, thủ đô Hà Nội được tổ chức lập quy hoạch với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn nhận định, công tác bảo tồn phố cổ Hà Nội cần sự tham gia của cộng đồng để hướng tới một đô thị sống tốt hơn. Cải tạo phố cổ Tạ Hiện là một ví dụ về bảo tồn không gian văn hóa sống của người dân cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện tại; can thiệp có chọn lọc nhưng không làm mất đi nét cổ kính nguyên bản mà vẫn phát huy được giá trị nổi bật về di sản kiến trúc nhằm tăng sức hút du lịch cho khu phố cổ Hà Nội.

Ông Trương Văn Quảng - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị-nông thôn bổ sung xu hướng chung của các đô thị Việt Nam hiện nay là phát triển nhanh cả về quy mô diện tích lẫn dân số khiến cấu trúc và hình thái học đô thị cũng có những thay đổi.

Tuy nhiên, vẫn còn khả năng tồn tại các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" ngay trong lòng đô thị theo cách thức phát triển của chúng. Vì vậy, quá trình đô thị hóa Thủ đô cần có cách tiếp cận phù hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Hội thảo kết thúc ngày 13/10./.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục