Hội thảo xúc tiến thương mại-đầu tư khu vực ĐBSCL

Hội thảo xúc tiến thương mại-đầu tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra ngày 26/6, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Ngày 26/6, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại-đầu tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 250 diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia, vị lãnh đạo, nhà đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực và Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết Hội thảo lần này nhằm mục đích phát huy hơn nữa các thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tạo mối liên kết vùng, các giải pháp bình ổn thị trường, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm đặc trưng của vùng. Các chuyên gia cung cấp nhiều thông tin quý báu, cũng như nhận định về tình hình kinh tế giúp các nhà đầu tư nắm bắt thông tin toàn diện hơn.

Hội thảo còn là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm cơ hội đầu tư, giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin nhanh, lựa chọn đầu tư đúng trọng tâm, đúng hướng phát triển của vùng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế, tiềm năng phát triển trong khu vực; liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long-Thành phố Hồ Chí Minh: Nền tảng và giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả bình ổn giá; cơ hội đầu tư và các chính sách ưu đãi của địa phương với nhà đầu tư; bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh - cơ hội phát triển trong mối liên kết vùng các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; thực trạng và các giải pháp xúc tiến thương mại-đầu tư các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Bùi Ngọc Sương, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gần 40.000km2, dân số khoảng 20 triệu người, có đường biên giới bộ giáp Campuchia khoảng 340km, bờ biển dài hơn 700km với 360.000km2 đặc quyền kinh tế.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua phát triển nhanh, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001-2011 đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38%, công nghiệp-xây dựng 27%, dịch vụ 35%.

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa, trái cây, thủy sản mà còn là môi trường đảm bảo “sức khỏe” cho nền nông nghiệp cả nước. Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lưc của vùng. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trong vùng, từ 56.000 tỷ đồng (năm 2001) lên 110.000 tỷ đồng (năm 2011), tăng bình quân 7%/năm.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong suốt 27 năm qua khi cả nước luôn nhập siêu, thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục xuất siêu nhờ sự đóng góp từ các mặt hàng nông sản chủ lực.

Ngoài ra, kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp phát triển, hình thành vùng sản xuất tập trung, theo hướng dẫn hàng hóa. Các viện, trường, trung tâm nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia tích cực vào việc lai tạo, cung ứng cây, con giống, vật nuôi và sản xuất các chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Năm 2012, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đến 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 70% lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đầy tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Đặc biệt, qua kết quả đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có ba tỉnh nằm trong top năm tỉnh, thành đứng đầu cả nước. Điều đó cho thấy chính quyền các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến làm ăn lâu dài./.

Huỳnh Sử (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục