Hơn 1 tỷ trẻ em nước đang phát triển tiêm phòng sởi

Trong thập kỷ qua có hơn 1 tỷ trẻ em ở hơn 60 nước đang phát triển đã được tiêm phòng sởi theo Sáng kiến chống sởi toàn cầu (MI).
Ngày 5/8, Liên hợp quốc cho biết trong thập kỷ qua có hơn 1 tỷ trẻ em ở hơn 60 nước đang phát triển đã được tiêm phòng sởi theo Sáng kiến chống sởi toàn cầu (MI).

MI được khởi động năm 2001 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Liên hợp quốc (UNF), Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ (ARC) và Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) đồng bảo trợ trong nỗ lực chung loại trừ bệnh sởi.

Em bé thứ 1 tỷ được tiêm vắcxin phòng sởi trong thập kỷ qua là một trong số 3,5 triệu trẻ em Mozambique được tiêm phòng sởi trong tháng Năm năm nay.

Mốc lịch sử 1 tỷ này đã khẳng định thành công của thế giới trong tiến trình loại trừ một trong những căn bệnh gây tử vong lớn nhất cho trẻ em trên toàn cầu. Ước tính, mỗi USD quyên góp giúp được một trẻ thoát bệnh sởi.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, nhờ sáng kiến toàn cầu MI, số trẻ em tử vong do sởi đã giảm 78% từ 733.000 trong năm 2001 xuống còn 164.000 trẻ em năm 2008, giúp giảm 25% tổng số trẻ em tử vong vì bệnh tật trên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ thụt lùi trong nỗ lực toàn cầu loại trừ bệnh sởi, do nhiều chính phủ và cộng đồng y tế chuyển các nguồn tài chính chống bệnh sởi sang các mục tiêu khác với lý do bệnh sởi không còn bị coi là đe dọa lớn đối với trẻ em.

Quỹ tài trợ phòng chống sởi đã giảm từ 150 triệu USD năm 2007 xuống còn 68 triệu USD năm 2010. WHO đánh giá việc giảm hỗ trợ chống bệnh sởi có thể khiến thêm nửa triệu trẻ em tử vong hàng năm và loại trừ hoàn toàn thành quả 10 năm nỗ lực của MI vào năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục