Hơn 100 nước thông qua chiến lược chống bệnh gia súc

Theo số liệu của FAO và OIE, bệnh lở mồm long móng gia súc đang lan rộng trên toàn cầu và gây thiệt hại cho nông dân thế giới 5 tỷ USD.
Ngày 29/6, tại Hội nghị về bệnh gia súc lở mồm long móng được Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đồng tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, hơn 100 nước trên thế giới đã thông qua chiến lược mới nhằm kiểm soát sự lây lan và chống bệnh gia súc, bảo vệ lợi ích của hơn 1 tỷ hộ nông dân trên toàn cầu có nguồn sống phụ thuộc vào chăn nuôi gia súc.

Theo số liệu của FAO và OIE, bệnh lở mồm long móng gia súc đang lan rộng trên toàn cầu và đã gây thiệt hại cho nông dân thế giới 5 tỷ USD.

Bệnh này đã gây thiệt hại cho nước Anh tới 30 tỷ USD năm 2001 và cho Đài Loan (Trung Quốc) 15 tỷ USD năm 1997.

Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất của bệnh lở mồm long móng. Nông dân sản xuất nhỏ bị tác động nghiêm trọng không chỉ về thu nhập mà còn chính cuộc sống của họ.

Người tiêu dùng trên toàn cầu cũng bị tác động do phải chi tiêu nhiều hơn để mua các thực phẩm thịt và sữa.

Chiến lược mới chống lây lan và loại trừ bệnh gia súc trên toàn cầu do FAO và OIE phát triển nhằm thúc đẩy và tăng cường kiểm soát bệnh lở mồm long móng thông qua nâng cấp các dịch vụ thú y quốc gia để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn OIE về chất lượng.

Chiến lược cũng mở ra cơ hội thúc đẩy các hành động đem lại lợi ích không chỉ kiểm soát và loại trừ bệnh này mà còn nhiều bệnh gia súc khác.

Chiến lược còn tư vấn chính sách cho các nước về quản lý nguy cơ bùng nổ bệnh lở mồm long móng và các bệnh gia súc khác, hỗ trợ các nước các biện pháp đầu tiên để ngăn chặn bệnh lây lan sang các trang trại, các cộng đồng và các nước khác.

Chiến lược nhằm đạt 3 kết quả bao gồm kiểm soát bệnh lở mồm long móng ở hầu hết các nước và loại trừ ở một số nước; các dịch vụ thú y và cơ sở hạ tầng thú y được nâng cấp; ngăn chặn và kiểm soát các bệnh vật nuôi khác hiệu quả hơn.

Chiến lược cũng nhằm phát triển các ngân hàng vắcxin khu vực và các trung tâm kiểm soát chất lượng vắcxin ở các nước đang phát triển, cải thiện hiệu quả của các hệ thống giám sát, khả năng của các phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng vắcxin và kiểm soát di chuyển của đàn gia súc.

FAO và OIE nêu rõ rằng thành công của chiến lược toàn cầu mới này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm cho dân số 7 tỷ người hiện nay và 9 tỷ người vào năm 2050. So với hiện nay, nhu cầu về thịt tăng 76% ,về sữa tăng 62% , trứng tăng 65% vào năm 2050./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục