Hơn 310 ngân hàng Mỹ bị phá sản do khủng hoảng

FDIC thừa nhận các ngân hàng phá sản làm cạn kiệt nguồn tín dụng của nước Mỹ và để lại hậu quả nặng nề cho ngành ngân hàng Mỹ.
Ngày 18/11, Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết hơn 310 ngân hàng ở Mỹ đã phá sản, do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.

FDIC thừa nhận thiệt hại do các ngân hàng phá sản đã làm cạn kiệt nguồn tín dụng của nước Mỹ và để lại cho ngành ngân hàng Mỹ hậu quả nặng nề.

FDIC - cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các ngân hàng và quỹ tín dụng phá sản - đã bắt đầu cuộc điều tra quan chức của các ngân hàng bị phá sản, để truy tố về hành động vô trách nhiệm, tham nhũng và các tội hình sự khác.

Hiện nay, FDIC đã tiến hành hơn 50 cuộc điều tra và 80 vụ kiện dân sự, nhằm vào quan chức ngân hàng, trong đó vụ đổ vỡ của quỹ tín dụng Washington Mutual Inc. được coi là lớn nhất, với giá trị tài sản gấp 7 lần giá trị tài sản của Continental Illinois Corp. - quỹ tín dụng bị phá sản lớn nhất, trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và nợ ở Mỹ thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20.

Cuộc khủng hoảng tiết kiệm và nợ trong thập kỷ 80 và 90 này đã làm hơn 1850 ngân hàng và quỹ tín dụng phá sản và hơn 1850 quan chức ngân hàng bị truy tố vì các tội hành xử vô trách nhiệm, tham nhũng, đồng thời thu hồi 4,5 tỷ USD tài sản tham nhũng, trong đó hơn 1000 quan chức trong số này đã phải vào tù.

FDIC cho biết trong các cuộc điều tra và vụ kiện dân sự liên quan đến 80 quan chức cao cấp ngân hàng đang được tiến hành đối với các ngân hàng bị phá sản trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, có thể thu hồi hơn 2 tỷ USD tiền tham nhũng hoặc thu nhập bất hợp pháp./.

Tuấn Anh (TTXVN /Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục