Gia đình và trường học là hai môi trường có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Thế nhưng, vấn đề bạo lực thân thể với trẻ em trong hai môi trường này đang là vấn đề nhức nhối đòi hỏi cả cộng đồng cần chung tay thay đổi nhận thức, xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ em.
[Trẻ em đối thoại về kiến thức chống bị xâm hại, bạo lực]
Đây là thông điệp được đưa ra tại lễ khởi động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (World Vision) tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội.
Sáng kiến về "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học" được phát động nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi từng thành viên trong cộng đồng góp sức xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, đảm bảo an sinh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Người Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, cụ thể là nhiều bậc cha mẹ và giáo viên đã rất nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và chưa đồng đều ở mọi thành phần trong xã hội.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết), theo báo cáo chuyên đề can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 khảo sát trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5/2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể, trẻ em từ 0-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất, chiếm 56,9%. Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất (63,2%), đứng thứ hai là trẻ bị bạo lực trong trường học (20,1%).
Những tư duy, quan niệm không còn phù hợp là nguyên nhân chính của vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học ở Việt Nam. Những câu thành ngữ như “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" hay “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời" vẫn được nhiểu bậc cha mẹ và thầy cô giáo sử dụng để dạy dỗ con trẻ.
Tại lễ khởi động, bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Khi các bậc cha mẹ và thầy cô giáo thận trọng trong từng hành vi, ứng xử với con em mình thì tác động tích cực sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình và nhà trường, mà sẽ có ảnh hưởng lan tỏa làm cho môi trường xã hội cũng dần dần trở nên an toàn hơn để trẻ em được lớn lên khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Em Lương Thị Quỳnh, Đại sứ Trẻ em của Sáng kiến chia sẻ: “Đòn roi sẽ chỉ làm chúng cháu sợ sệt, thậm chí trở nên lì và khó bảo hơn. Cháu e rằng sau này chúng cháu sẽ vô thức bắt chước theo bố mẹ, dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề của mình. Cháu mong muốn cha mẹ sẽ dùng lời lẽ để khuyên giải, động viên, khích lệ hơn là dùng đòn roi để dạy bảo con cái.”
Tại lễ khởi động bài hát của sáng kiến là “Điều tuyệt vời nhất trên đời” do nhạc sỹ Tạ Quang Thắng, ca sỹ Hà Anh Tuấn và nhóm trẻ em từ các vùng nơi tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam thực hiện đã được giới thiệu.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam cũng đã ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác 5 năm để triển khai các hoạt động nỗ lực chấm dứt bạo lực trẻ em.
Ông Warren Climenhaga, Giám đốc Chương trình vùng Đông Á, tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế cho rằng: “Bạo lực thân thể trẻ em là vấn đề không thể được giải quyết bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân đơn lẻ nào, mà cần sự chung sức của tất cả mọi người.”/.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu