Họp báo Chính phủ: Giải đáp nhiều vấn đề nóng liên quan kinh tế

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Bảy, đại diện các Bộ, ngành đã giải đáp nhiều câu hỏi của báo giới về cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý tiền ảo, điều hành tỷ giá...
Họp báo Chính phủ: Giải đáp nhiều vấn đề nóng liên quan kinh tế ảnh 1Đại diện Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Bảy, đại diện các Bộ, ngành đã giải đáp nhiều câu hỏi của báo giới về cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý tiền ảo, điều hành tỷ giá...

Liên quan đến việc doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết từ tháng 8/2017, Bộ đã công khai các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Hiện nay trong số doanh nghiệp cổ phần hóa là 750 doanh nghiệp thì mới đưa lên sàn được 150 doanh nghiệp.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về cổ phần hóa sáu tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã kết luận và chỉ đạo các bộ chủ quản và các địa phương phải rà soát việc cổ phần hóa doanh nghiệp.

“Quan điểm của Bộ Tài chính là các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán phải thực hiện việc niêm yết. Bộ sẽ phối hợp, đôn đốc để thúc đẩy nhanh việc này,” Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết

Giải đáp về các giải pháp điều hành tỷ giá trong thời gian qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngày 1/8, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,5% so với cuối 2017, nằm trong tầm kiểm soát, phù hợp với diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới, khu vực.

[Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Kiểm soát chặt lạm phát, không để vượt quá 4%]

Trước diễn biến Trung Quốc đang giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ, theo bà Nguyễn Thị Hồng đây là vấn đề lưu ý của các ngân hàng trung ương; trong đó có Việt Nam trong điều hành tiền tệ.

Tuy nhiên, trong điều hành tỷ giá Ngân hàng Nhà nước không chỉ nhìn vào diễn biến một đồng tiền mà nhìn vào diễn biến nhiều đồng tiền khác nhau. Ngân hàng Nhà nước cũng không chỉ điều hành tỷ giá trung tâm mà còn kết hợp nhiều công cụ khác và chính sách tài khóa để điều tiết, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Về quản lý tài sản ảo và tiền ảo, bà Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, hiện các quy định pháp lý hiện hành chưa có quy định cụ thể.

Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung đề án để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo và tài sản ảo và giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý.

Với tiền điện tử dưới dạng ví điện tử và thẻ trả trước ngân hàng, hiện đang thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 101 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Liên quan đến Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã có biện pháp quản lý nhập khẩu mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động (máy đào tiền ảo).

Theo quy định hiện hành, mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin hiện chưa có mã HS riêng để quản lý, đang xếp chung vào nhóm máy “xử lý dữ liệu tự động.”

Theo Nghị định 69 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, mặt hàng mã HS 8471.80.90 không thuộc danh mục hàng hoá bị cấm nhập khẩu, do đó các doanh nghiệp được phép nhập khẩu các mặt hàng này mà chỉ phải làm thủ tục hải quan để nhập khẩu.

Hiện tiền ảo hay bitcoin không phải tiền tệ và cũng không phải phương thức thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Trước tình hình trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp xem xét và đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo Luật hiện nay không cấm nên phải có đề xuất quy định trường hợp nào thì cấm.

Về việc hàng Trung Quốc đưa sang Việt Nam để được hưởng các ưu đãi xuất đi Mỹ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đã có đề xuất và báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá và Nghị định này cũng quy định về xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và áp dụng với thương nhân, cơ quan tổ chức, cá nhân khác…

“Tức là không chỉ liên quan đến hàng hóa từ Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có hàng hóa đến Việt Nam và đi các nước khác,” Thứ trưởng cho biết.

Với Nghị định này Bộ Công Thương đã đưa ra Thông tư hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu.

Hiện nay Bộ Công Thương đã phê duyệt các chương trình của Bộ Công Thương như Quyết định 334 về phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hóa như chống giả mạo xuất xứ tại các địa phương, trọng điểm đến hết năm 2020. Đồng thời cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan hạn chế tốt nhất tình trạng lợi dụng xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục