Hợp tác hải quan ASEAN tạo thuận lợi thương mại, chống buôn lậu

Giao dịch bảo lãnh quá cảnh đầu tiên qua Quá cảnh Hải quan ASEAN tại Việt Nam đã được thực hiện thành công vào tháng 2/2024 qua Chi cục Hải quan Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, trong đó nổi bật là chiến dịch 'Con rồng Mekong.' (Ảnh: Vietnam+)
Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, trong đó nổi bật là chiến dịch 'Con rồng Mekong.' (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 8/4, Tổng cục Hải quan công bố một số thông tin chung về hợp tác hải quan ASEAN với nền tảng hội nhập khu vực mang tính chiến lược và dài hạn.

Hiện nay, cơ chế hợp tác hải quan trong ASEAN được tổ chức theo các cấp quản lý và Nhóm làm việc cố định, trong đó cấp cao nhất là Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN và các Tiểu nhóm lâm thời phục vụ các nhiệm vụ đặc trách được giao, (như về hệ thống quá cảnh ASEAN, Một cửa ASEAN, Doanh nghiệp ưu tiên...).

Trong số kết quả hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN, nổi bật phải kể đến Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN). Đây Danh mục hàng hóa ở cấp độ 8 chữ số (HS) được Hải quan các nước ASEAN sử dụng và xây dựng dựa trên Danh mục HS của tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Bên cạnh đó, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) đã được tự động hóa việc thực hiện các thủ tục hải quan qua biên giới trong ASEAN bằng phương tiện đường bộ. Trên cơ sở đó, ACTS cho phép doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tự do qua các Quốc gia thành viên ASEAN.

ACTS bắt đầu vận hành chính thức từ ngày 30/11/2020 với sáu nước thành viên tham gia gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Số liệu ghi nhận đến ngày 31/1/2024, hải quan các nước ghi nhận có 190 lô hàng quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan thông qua hệ thống ACTS, chủ yếu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Campuchia.

Tại Việt Nam, giao dịch bảo lãnh quá cảnh đầu tiên qua hệ thống ACTS được thực hiện thành công vào tháng 2/2024 qua Chi cục Hải quan Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Trước đó, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã thông qua và ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (AAMRA) vào tháng 2/2023. Hiện, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước để chuyển sang giai đoạn thực hiện thí điểm theo lộ trình chung của ASEAN.

Cơ quan Hải quan cho biết ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến hợp tác trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Theo đó, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, trong đó nổi bật là chiến dịch “Con rồng Mekong.”

Chiến dịch là một chuỗi hoạt động chung của Hải quan tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương (từ năm 2018 và đến tháng 11/2023) với 5 giai đoạn. Qua đó, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 115 cảnh báo và 5 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên. Riêng trong giai đoạn 5, Hải quan Việt Nam và các đơn vị phối hợp đã cập nhật tổng số 123 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã. Tháng 4/2024 vừa qua, Hải quan Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị khởi động Chiến dịch “Con rồng Mêkông” giai đoạn 6 tại Việt Nam.

3.jpg
ACTS bắt đầu vận hành chính thức từ ngày 30/11/2020 với sáu nước thành viên tham gia gồm Cam-pu-chia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Hiện nay, Hải quan Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin Chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O Form D) điện tử với 9 nước ASEAN, trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á-Âu, trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc, trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand. Ngoài ra, đã hoàn thiện việc kết nối hệ thống cho phép doanh nghiệp và các bên liên quan có thể tra cứu C/O e-Form D của Việt Nam từ tháng 8/2021 qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn).

Về trao đổi Tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) thông qua Cơ chế Một cửa ASEAN, cho đến tháng 4/2024, trừ Lào chưa tham kết nối hệ thống, Hải quan Việt Nam đã tiến hành trao đổi thành công dữ liệu với 5 nước (Campuchia, Indonesia, Maylaysia, Thái Lan và Singapore) và đang tiếp tục thử nghiệm với các nước còn lại theo đúng lộ trình.

Theo cơ chế luân phiên, Hải quan Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 trong năm 2024. Hội nghị là diễn đàn để các Lãnh đạo của Hải quan các nước thành viên thảo luận và đưa ra các quyết định, chỉ đạo và định hướng các hoạt động liên quan đến các biện pháp hội nhập hải quan trong đó tập trung vào các lĩnh vực nghiệp vụ về tạo thuận lợi thương mại, kiểm soát hải quan và xây dựng năng lực hải quan.

1.jpg
Hiện nay, Hải quan Việt Nam cho biết đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin Chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O Form D) điện tử với 9 nước trong khu vực. (Ảnh: Vietnam+)

Đại diện Tổng cục Hải quan cho hay với vai trò là nước Chủ tịch Hải quan năm 2024, Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường kết nối và thống nhất giữa các nước ASEAN để tiếp tục thực hiện các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan ASEAN cho giai đoạn 2021-2025 trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các nội dung: Cơ chế một cửa ASEAN; Cơ chế quá cảnh hải quan ASEAN; Cơ chế thực hiện Công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN.

Ngoài ra, Chiến lược sẽ ưu tiên khuyến khích tăng cường đối thoại, tham vấn với các đối tác của ADGCM nhằm thực hiện các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới (như Hải quan Xanh, xây dựng hệ sinh thái về dữ liệu hải quan, hiện đại hóa hải quan, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý hải quan đối với thương mại điện tử; đơn giản hóa thủ tục hải quan cho các lô hàng trị giá thấp…)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục