Chương trình hợp tác phát triển du lịch các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm các tỉnh Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, thành phố Cần Thơ và Kiên Giang, giai đoạn 2010-2015 và đến 2020 đã được tổng kết ngày 27/9, tại Kiên Giang.
Chương trình do Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức.
Qua một thời gian thực hiện Chương trình (tháng 8/2011-9/2012), Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận được đăng ký từ các địa phương, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng nhằm hình thành những tour, tuyến du lịch chung của vùng kinh tế trọng điểm và khu vực.
Việc kết nối tour, tuyến đã được các doanh nghiệp du lịch địa phương, các đơn vị lữ hành ở các Trung tâm du lịch lớn của cả nước quan tâm đưa vào khai thác.
Các địa phương đã hoàn tất sản phẩm du lịch chung cho vùng có tên gọi “Đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến bốn địa phương” với hành trình bảy ngày sáu đêm đi qua Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, thành phố Cần Thơ và Kiên Giang trên cơ sở khảo sát thực địa...
Đây được xem là tour du lịch cơ bản nhất đi qua các địa phương vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bạc Liêu.
Việc hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được các địa phương quan tâm. Qua một năm thực hiện, các sở đã phối hợp tổ chức, tham gia hoặc tham dự nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến chung. Qua đó, các doanh nghiệp du lịch của mỗi địa phương cũng có sự liên kết hợp tác để cùng quảng bá, khai thác, chia sẻ lợi nhuận cùng nhau.
Các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi, cung cấp các thông tin về các khu, điểm du lịch, chương trình tour và các sản phẩm du lịch mới, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức các cuộc khảo sát địa điểm có dự án du lịch để kêu gọi các doanh nghiệp cùng đầu tư...
Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm về cơ bản được sự ủng hộ, đồng tình của các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các địa phương trong vùng.
Để Chương trình đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới và trên cơ sở “Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020," các địa phương đã thống nhất là cùng nhau cần tăng cường trao đổi thông tin về thế mạnh của từng địa phương để phối hợp khai thác các nguồn lực về du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, có phân công cụ thể thực hiện tốt đề án; phối hợp quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch của từng địa phương trên cơ sở tổng thể cả vùng, tránh trùng lấp để tạo sự khác biệt thu hút du khách.
Bên cạnh đó tiếp tục phát huy việc xây dựng tour du lịch kết nối các tuyến, điểm du lịch giữa các tỉnh, thành phố thực hiện tour “Một điểm đến bốn địa phương,” tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành được chọn tổ chức khai thác hiệu quả tour du lịch này; xây dựng các câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật tại một số điểm đến; xây dựng câu lạc bộ vận tải du lịch ở những địa phương đủ điều kiện và đánh giá nhân rộng mô hình; nghiên cứu sản xuất hàng lưu niệm đặc trưng của từng địa phương...
Tại buổi lễ tổng kết, các doanh nghiệp du lịch các địa phương vùng kinh tế trọng điểm ký kết hợp tác khai thác sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, miền Trung và các doanh nghiệp du lịch./.
Lê Sen (TTXVN)