Hợp tác toàn cầu giải quyết bệnh không truyền nhiễm

LHQ nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác hiệu quả giữa chính phủ, tư nhân và đoàn thể trong giải quyết bệnh không truyền nhiễm.
Liên hợp quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác hiệu quả giữa chính phủ, lĩnh vực tư nhân và đoàn thể dân sự trong việc giải quyết căn bệnh ung thư và các bệnh không truyền nhiễm khác.

Phát biểu khai mạc phiên họp các đoàn thể dân sự diễn ra ngày 16/6, nhằm chuẩn bị cho hội nghị cấp cao đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng ngừa và kiểm soát các căn bệnh không truyền nhiễm (NCDs) dự kiến diễn ra vào ngày 19/9 tới, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Joseph Deiss nhấn mạnh không có một quốc gia hay tổ chức nào có tất cả các nguồn lực cần thiết, cũng như có thể giải quyết được hàng loạt các yếu tố phức tạp đang thúc đẩy sự phát triển của các căn bệnh không truyền nhiễm.

Chủ tịch Joseph Deiss cũng lưu ý rằng với việc quyết định tổ chức cuộc họp cấp cao, Đại hội đồng đã thừa nhận sự phổ biến của các căn bệnh không truyền nhiễm cần phải nhận được sự quan tâm hưởng ứng mang tính toàn cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Đại hội đồng thừa nhận việc xây dựng sự hợp tác và đối phó hiệu quả với các căn bệnh truyền nhiễm là khó khăn, nhất là trong bối cảnh tài chính hạn chế và vẫn có rất nhiều vấn đề y tế toàn cầu khác. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này không cạnh tranh với các ưu tiên phát triển và các vấn đề y tế khác, vì giải quyết các bệnh không truyền nhiễm sẽ giúp cải thiện điều kiện y tế và phát triển nói chung.

Tại phiên họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Asha-Rose Migiro cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng như là "tuyến đầu" của các hội đoàn dân sự trong cuộc chiến toàn cầu chống lại các căn bệnh không truyền nhiễm và cho rằng chính phủ các nước cần các đối tác để thực hiện những kế hoạch đã thông qua, giống như "một chuyến đi hàng nghìn dặm được thực hiện bằng hàng nghìn bước đi cùng nhau."

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trong năm 2008, trên thế giới có hơn 36 triệu người chết do các bệnh không truyền nhiễm như các căn bệnh về tim, đột quỵ, bệnh phổi mãn tính, ung thư và tiểu đường, trong đó gần 80% số bệnh nhân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục