Hungary và Ba Lan: Sẽ là thách thức lớn đối với Liên minh châu Âu?

Hungary và Ba Lan là những nước hưởng lợi to lớn từ ngân sách và quỹ phục hồi EU, với 2 nguồn quỹ này có thể đóng góp hơn 6% GDP của Hungary.
Hungary và Ba Lan: Sẽ là thách thức lớn đối với Liên minh châu Âu? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng theguardian.com đưa tin “Brexit có nghĩa là Brexit” - câu “thần chú” của cựu Thủ tướng Anh Theresa May - xứng đáng có một vị trí trong sách giáo khoa triết học như một câu nói vô nghĩa nhất.

Ít nhất là đến khi chúng ta biết được rằng có hay không một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), thì chúng ta mới hiểu Brexit là gì.

Ít nhất sẽ là 5 năm, và có thể là 10 năm, trước khi chúng ta thấy một định hình rõ ràng về mối quan hệ mới giữa các đảo ngoài khơi và lục địa. Khi đó, EU có thể là một cộng đồng rất khác và Anh có thể không tồn tại.

Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có sự hội tụ hay phân hóa giữa Anh và EU? Bất kỳ chính phủ mới nào thay thế cho chính phủ Anh theo chủ nghĩa dân túy hiện nay sẽ đều mong muốn một Brexit “mềm” hơn.

Đó là có thể một chính phủ Bảo thủ thực dụng và có năng lực hơn dưới sự lãnh đạo mới như Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Rishi Sunak.

Điều đó thậm chí còn đúng hơn đối với chính phủ do Công đảng - hoặc liên minh do Công đảng đứng đầu - dưới sự chỉ đạo của Keir Starmer.

Điều này cho thấy rằng theo thời gian, Anh sẽ dần lùi lại gần hơn với EU, theo từng lĩnh vực, từng vấn đề.

Tuy nhiên, tương lai của Brexit sẽ phụ thuộc nhiều vào những diễn biến ở phía bên kia của eo biển Măng-sơ.

Người dân ở Đức, Pháp hay Italy giờ đây không mấy khi nhắc đến Brexit - không chỉ vì họ đã chán chủ đề này, mà còn vì EU phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng lớn khác.

EU phải khẩn trương thông qua ngân sách và quỹ phục hồi mới trị giá 1,8 triệu euro vì nếu không có quỹ này, quá trình phục hồi hậu COVID-19 sẽ khó khăn hơn và căng thẳng Bắc-Nam trong khu vực đồng euro có thể trở nên gay gắt.

Hungary và Ba Lan: Sẽ là thách thức lớn đối với Liên minh châu Âu? ảnh 2Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 10/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, để làm được điều này, họ phải vượt qua các quyền phủ quyết mà Hungary và Ba Lan đe dọa đưa ra.

Hai nước này đang gây sức ép với phần còn lại của EU để buộc EU nới lỏng hơn nữa các điều kiện pháp lý được đề xuất đối với các quỹ đó.

Một số người cho rằng Brexit thực sự có thể giúp ích cho EU bởi các quốc gia thành viên khác - được giải phóng khỏi “vị khách kỳ cục” Anglo-Saxon - có thể tiến tới hội nhập một cách suôn sẻ. Đây là một sự ảo tưởng.

EU phải cần tới một hội nghị thượng đỉnh kéo dài 5 ngày trong mùa Hè này để thống nhất ngân sách và quỹ phục hồi, vượt lên sự phản kháng gay gắt từ “bộ tứ khắc khổ” (Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan).

Hungary và Ba Lan là những nước hưởng lợi to lớn từ ngân sách và quỹ phục hồi EU, với 2 nguồn quỹ này có thể đóng góp hơn 6% GDP của Hungary.

Tuy nhiên, họ từ chối chấp nhận một số điều kiện pháp lý tối thiểu, mà nếu không có điều kiện này, EU sẽ dần dần không còn là một cộng đồng của các nền dân chủ và cùng chia sẻ trật tự pháp lý chung.

Trên thực tế, những gì các nhà lãnh đạo Hungary và Ba Lan đang nói với những người nộp thuế ở Đức và Hà Lan là: chúng tôi sẽ không để bạn thực hiện những khoản trợ cấp cần thiết đó đến các nước phía Nam khu vực đồng euro như Italy và Tây Ban Nha, cả hai đều bị tổn hại nặng nề bởi COVID-19, trừ phi bạn cho phép chúng tôi tiếp tục sử dụng số tiền lớn của bạn mà không có bất kỳ ràng buộc nào đáng kể.

Mối đe dọa trước mắt đối với EU không phải là Hungary và Ba Lan sẽ theo Anh rời khỏi EU mà là họ sẽ vẫn là thành viên đầy đủ của câu lạc bộ trong khi tiếp tục vi phạm các quy tắc quan trọng nhất của khối.

Hiện khó có thể khẳng định mối nguy lớn hơn đối với tương lai của EU là gì, một nước Anh dân chủ rời đi, hay một Hungary phi dân chủ vẫn ngồi đó./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục