Ngày mai (19/5), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ họp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Hà Nội để phân tích những mặt tích cực và hạn chế của điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội để đưa ra Quốc hội thảo luận có sửa điều luật này hay không.
Theo đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, quy định Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để có thể hưởng lương hưu theo quy định thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ Trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, so với hưởng bảo hiểm xã hội một lần, lợi ích của việc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cao hơn gấp 4-6 lần.
“Thay vì nhận trợ cấp một lần, người lao động nếu tiếp tục tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sẽ nhận được tiền lương hàng tháng để duy trì cuộc sống, trong thời gian hưởng lương hưu còn được Bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi già yếu,” ông Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa có việc làm mới đang gặp khó khăn, Luật Bảo hiểm xã hội mới cũng đã có những chính sách hỗ trợ như: Được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm... để có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
Mặc dù việc nhấn mạnh lợi ích của việc tích lũy bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng thừa nhận vẫn khó thuyết phục những lao động trong lĩnh vực dệt may, da giày vốn có thời gian lao động ngắn có thể tính toán chọn phương án có lợi lâu dài.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng sự phản ứng của công nhân phản ánh một nguyện vọng xuất phát từ thực tế tiền lương, thu nhập của người lao động còn thấp nên khi mất việc làm, người lao động coi bảo hiểm xã hội một lần như một khoản thu nhập bổ sung để trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, cuộc sống của 15-20 năm sau thì người lao động lại chưa nghĩ đến.
Để khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi dịch chuyển việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội cũng có những thay đổi mở rộng điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động.
Đặc biệt, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, Quốc hội đã giao cho Chính phủ tính toán phương thức hỗ trợ tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện cho một số nhóm đối tượng lao động để người lao động có điều kiện tham gia bảo hiểm, từ đó có thể hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng nếu Quốc hội đồng ý sửa điều 60, cho phép người lao động được lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì các cơ quan chức năng, cán bộ bảo hiểm xã hội, công đoàn, địa phương, báo chí cần tuyên truyền rõ cho người lao động hiểu được những lợi ích và hạn chế khi nhận bảo hiểm xã hội một lần./.
Giả định nam 60 tuổi, về hưu năm 2016, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là 4 triệu đồng/tháng. Lương hưu hàng tháng là 55% x 4 triệu đồng = 2,2 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, với kỳ vọng sống của nam giới ở độ tuổi 60 tuổi là 18,1 năm (217 tháng) thì tổng số tiền nhận lương hưu đến khi chết sẽ là 477,4 triệu đồng. Thêm vào đó, Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả tiền mua thẻ bảo hiểm y tế (4,5%) là 21,5 triệu đồng, khi chết được hưởng mai tháng phí 10 tháng lương cơ sở (11,5 triệu đồng) và tiền tuất thấp nhât bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng (6,6 triệu đồng).
Tổng số tiền bảo hiểm xã hội chi cho một người nghỉ hưu là hơn 516 triệu đồng, cao gấp 4 lần nếu giải quyết trợ cấp một lần là 124 triệu đồng.
Tương tự, trong trường hợp nữ 55 tuổi, về hưu năm 2016, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, mức bình quân triền lương đóng bảo hiểm xã hội là 4 triệu đồng/tháng thì tổng chi phí cho một người nghỉ hưu là gần 756 triệu đồng, cao gấp 6 lần nếu người lao động nhận giải quyết trợ cấp một lần (124 triệu đồng)./.