Hướng tới mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7-8% trong năm 2024

Năm 2024, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực vượt khó trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi chậm.

Hoạt động sản xuất tại Nhà Máy Tuyển Quặng Cam đường (Lào Cai) - Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Hoạt động sản xuất tại Nhà Máy Tuyển Quặng Cam đường (Lào Cai) - Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Mặc dù sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng do các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất nên toàn ngành vẫn đạt mức tăng trưởng.

Hai tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của cả nước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết trong tổng mức tăng chung, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 3,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%).

Hai tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng đó là: xăng dầu tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 29%; thép cán tăng 24,1%; sơn hóa học tăng 22,4%; đường kính tăng 21,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,8%; thép thanh, thép góc tăng 18,6%; sữa bột tăng 15,3%; điện sản xuất tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Theo đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Bình Dương là một trong những địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao. Hai tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đã tạo đà tích cực cho nền kinh tế của tỉnh.

Sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng 99,29% so với tháng trước và tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều này phản ánh sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình, tìm kiếm thị trường mới và áp dụng công nghệ số.

Cùng với đó, sự hỗ trợ và khuyến khích đầu tư cũng được tỉnh quan tâm mạnh mẽ; đặc biệt là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp mới và điều chỉnh vốn cho các doanh nghiệp hiện có.

Không chỉ Bình Dương, ngay từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã bắt đầu bắt tay vào sản xuất, thực hiện các đơn hàng theo hợp đồng mới, với quyết tâm đạt kế hoạch và hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Future Innovation chuyên sản xuất các linh kiện điện tử, nằm trên địa bàn Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ cũng đang tăng tốc mở rộng quy mô sản xuất.

Dự kiến đến tháng 4/2024 sẽ vận hành nhà máy 3 và tuyển thêm khoảng 3.000 lao động với mức thu nhập trung bình từ 9-10 triệu đồng/tháng.

Theo lãnh đạo nhà máy, năm 2024, doanh nghiệp tập trung xây dựng các giải pháp về công nghệ, quản trị số đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng nhanh, chất lượng ổn định; đào tạo nguồn lực đáp ứng được xu thế phát triển của ngành điện tử.

Tuy nhiên, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, qua rà soát cho thấy, trong năm 2024, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức.

san xuat cong nghiep bac ninh.jpg
Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Năm 2024, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu dự kiến hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm - nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực; trong đó, có Việt Nam.

Hơn nữa, trong nước sức mua dự kiến vẫn sẽ hồi phục chậm. Việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn…

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về phía Bộ Công Thương cho hay năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết tỉnh nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp chế biến sâu phải theo hướng cụm ngành; tăng tốc phát triển 3 nhóm ngành điều, gỗ và thực phẩm xuất khẩu chủ lực một cách bền vững trước năm 2025; đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu để bổ trợ sức hấp dẫn cho khách hàng tiêu thụ nội địa, đến lượt tiêu thụ nội địa lại củng cố cho năng lực chế biến xuất khẩu.

Cùng với đó, Bình Phước tạo điều kiện sẵn có về quỹ đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sản xuất để hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành, sẵn sàng thu hút đầu tư; huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, nhất là nguồn lực từ kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài, để đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại.

san xuat hung yen.jpg
Công nhân sản xuất Bao bì tại Công ty Cổ phần Bao bì Thuận Đức, Kim Động, Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Còn ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết tỉnh đang tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, thị trường, thủ tục đầu tư, đất đai; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm, thuế, phí; có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu như chế biến thực phẩm, dệt, trang phục, da, gạch ceramic…; tăng cường quản lý phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cũng xác định tập trung phục hồi phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu đối với ngành điều, cao su và chế biến thực phẩm; rà soát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, thực hiện đúng trình tự thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai; thực hiện các giải pháp hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp mới nhằm hình thành chuỗi liên kết ngành, nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp và năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp.

Vụ trưởng Phí Thị Hương Nga cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, khuyến mãi nhằm tăng sức mua của người dân, giúp các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày… giảm áp lực đầu ra, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó.

Đặc biệt đối với các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, các địa phương cần tổ chức nhiều triển lãm kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ này sẽ đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn phát triển từ một phần nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn vốn hợp pháp khác.

“Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các ngành công nghiệp mới,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục