Huy động tối đa vai trò y tế cơ sở trong phát hiện ca mắc COVID-19

Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã chuyển sang cấp độ 3. Vì thế, tuyến y tế cơ sở tập trung giải quyết 2 vấn đề: phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và hạn chế lây ra cộng đồng.
Huy động tối đa vai trò y tế cơ sở trong phát hiện ca mắc COVID-19 ảnh 1Cán bộ y tế tỉnh Phú Yên nhập dữ liệu của người khai báo y tế để kiểm soát. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Ngày 30/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, thành phố về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch COVID-19.

Tính đến trưa 30/3, Việt Nam đã ghi nhận 194 người mắc COVID-19; đã có 55 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong số đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 39 bệnh nhân mắc COVID-19, tính từ ngày 6/3 đến 30/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tại Việt Nam, việc lây truyền dịch bệnh phụ thuộc vào 3 yếu tố.

Đầu tiên là người mang dịch từ nước ngoài về. Tổng hợp sơ bộ, trong số những người dương tính với SARS-CoV-2 đã được ghi nhận, có 70% số ca mang mầm bệnh từ nước ngoài về.

Yếu tố thứ hai là sự phát hiện người bệnh nhiễm virus và thực hiện cách ly. Nếu phát hiện sớm, cách ly kịp thời, sự lây nhiễm ra cộng đồng sẽ hạn chế.

Yếu tố thứ ba phụ thuộc vào điều trị bệnh nhân nhiễm, điều nay liên quan đến lây nhiễm trong cơ sở điều trị bệnh nhân.

Ở Việt Nam, hiện có hai ổ dịch lớn là quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

[Hà Nội rà soát triệt để các trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai]

Tại Bệnh viện Bạch Mai có 3 ổ dịch là Trung tâm Bệnh nhiệt đới với 2 nữ điều dưỡng dương tính với virus SARS-CoV-2; Khoa Thần kinh với 3 bệnh nhân từng điều trị và Khu vực nhà ăn do Công ty TNHH Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần. Do đó, theo đánh giá bước đầu, nguy cơ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao.

Có nhiều nhóm nguy cơ gồm: Nhóm bệnh nhân đã điều trị trong bệnh viện đã ra viện hoặc chuyển tuyến điều trị; cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân; học sinh, sinh viên thực tập tại bệnh viện; người phục vụ bệnh nhân (là người nhà bệnh nhân hoặc người được gia đình thuê chăm sóc bệnh nhân); nhân viên phục vụ trong bệnh viện gồm nhóm tại nhà ăn Trường Sinh, nhân viên lái xe điện trong bệnh viện, nhân viên vệ sinh.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, từ những nhóm nguy cơ này nếu không được phát hiện và giám sát chặt chẽ, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Vì thế, một trong những việc cần quan tâm là các đối tượng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại, cần huy động tối đa vai trò y tế cơ sở trong phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng để cách ly, ngăn chặn dịch bệnh.

Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã chuyển sang cấp độ 3. Vì thế, tuyến y tế cơ sở tập trung giải quyết 2 vấn đề: phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và hạn chế lây ra cộng đồng.

Thực tế, thời gian qua, các lực lượng đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để phát hiện từng trường hợp, lập được danh sách các trường hợp đi từ nước ngoài về, đã ở cộng đồng dân cư từ ngày 8/3. Khi đã có danh sách đối tượng, vấn đề phát hiện ca nhiễm tại cộng đồng hết sức quan trọng. 

"Vai trò của y tế cơ sở là hết sức quan trọng, góp phần vào sự thành công của công tác chống dịch COVID-19," Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục