Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 27/11 nói rằng Hy Lạp sẽ vẫn trong vũng lầy khủng hoảng trong năm 2014, với kinh tế suy giảm 0,4% và có khả năng nước này sẽ cần thêm các gói hỗ trợ tài chính nữa.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras nói rằng Hy Lạp phải đạt được thỏa thuận với ba chủ nợ - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC), về những cải cách đã cam kết thực hiện để nhận được các gói cứu trợ, trước khi Hy Lạp đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) luân phiên vào tháng 1/2014.
Hy Lạp tuần trước công bố dự thảo ngân sách 2014, trong đó cho rằng đợt suy thoái kinh tế sâu ở nước này sẽ kết thúc vào năm 2014, với kinh tế tăng trưởng nhẹ 0,6%, sau khi dự kiến giảm 4% trong năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo ngân sách này được đưa ra trong bối cảnh Hy Lạp chưa đạt được một thỏa thuận đầy đủ với bộ ba chủ nợ quốc tế kể trên.
Kết quả làm việc của nhóm kiểm toán viên quốc tế sẽ quyết định việc liệu có giải ngân 1 tỷ euro (1,4 tỷ USD) viện trợ tiếp theo cho Hy Lạp hay không. Có khả năng việc giải ngân trên sẽ lùi lại đến tận đầu tháng 12 năm nay.
Bộ ba chủ nợ quốc tế của Hy Lạp dự đoán thâm hụt ngân sách 2014 của Hy Lạp sẽ vượt 1,5 tỷ euro (2 tỷ USD), trong khi Chính phủ Hy Lạp ước tính tổng thâm hụt sẽ chỉ hơn 500 triệu euro.
Trong một nghiên cứu riêng lẻ khác, OECD cho hay kinh tế Hy Lạp có thể có thêm ít nhất 5,3 tỷ euro (7 tỷ USD) nếu hàng trăm các luật lệ hạn chế trong thương mại được bãi bỏ. Hy Lạp có tới 555 luật lệ quy định liên quan, ảnh hưởng không tốt đến khả năng cạnh tranh của nước này.
Theo số liệu năm 2011, các lĩnh vực chế biến thực phẩm, bán lẻ, xây dựng và du lịch, chiếm 21% kinh tế Hy Lạp và gần 27% tổng số lao động./.
Eurozone "bắt đầu mất kiên nhẫn" đối với Hy Lạp
Hy Lạp công bố dự thảo ngân sách 2014 trong lúc cuộc kiểm toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ECB vẫn chưa hoàn tất.