Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 21/8 tuyên bố nước này có lý do để tin tưởng vào "những ngày tốt đẹp sắp tới" sau khi chính thức bước ra khỏi gói cứu trợ thứ ba, đánh dấu việc chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử kéo dài suốt 8 năm.
Phát biểu trên truyền hình, ông Tsipras nhấn mạnh đây là một "thời điểm lịch sử" đối với Hy Lạp, là dấu mốc của một "kỷ nguyên mới" khép lại giai đoạn suy thoái, chính sách khắc khổ và nhiều vấn đề xã hội.
Theo ông Tsipras, sau 8 năm, Hy Lạp cuối cùng đã nắm lại quyền chủ động quyết định tương lai và vận mệnh quốc gia.
Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh Athens sẽ không quên những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài, cũng như hoan nghênh người dân Hy Lạp đã cho thấy tinh thần bền bỉ trong suốt thời gian khó khăn.
[Kinh tế Hy Lạp có đủ mạnh sau chương trình cứu trợ của quốc tế?]
Ngày 20/8, Hy Lạp chính thức rời khỏi chương trình cứu trợ cuối cùng kéo dài ba năm của nước này.
Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã giải ngân 61,9 tỷ euro trong ba năm qua để hỗ trợ quá trình điều chỉnh kinh tế vĩ mô cho Hy Lạp cũng như hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng tại nước này.
ESM cũng cho biết với sự kết thúc của chương trình cứu trợ, Athens sẽ không cần nhận hơn 24,1 tỷ euro còn lại trong chương trình nữa.
Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy quốc gia này tới bờ vực phá sản cũng như đe dọa tư cách thành viên của Athens trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Các chủ nợ quốc tế đã thông qua ba gói cứu trợ cho Hy Lạp lần lượt vào các năm 2010, 2012, 2015 với giá trị lên tới 260 tỷ euro (khoảng 306 tỷ USD) tổng cộng.
Đổi lại, Athens đã buộc phải tiến hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" và các cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong các lĩnh vực như năng lượng, hưu trí và lao động.
Thời gian qua, Hy Lạp đã được khen ngợi vì những thành tựu của nước này trong việc thắt chặt quản lý tài chính thông qua các biện pháp khắc khổ được thực hiện trong 8 năm qua.
Các chỉ số tài chính đều đã được cải thiện một cách ấn tượng với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2018 của Hy Lạp tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo việc kết thúc chương trình cứu trợ không có nghĩa là Hy Lạp có thể chấm dứt các biện pháp cải cách khắc khổ, đồng thời cho rằng tình hình thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và Athens chỉ cần đi chệch hướng là mọi công sức có thể "đổ xuống sông xuống biển"./.