Hy Lạp sẽ bỏ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng"?

Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ bãi bỏ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ tiền nhiệm áp dụng để đổi lấy gói cứu trợ của EU.
Sau khi Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias trao quyền uỷ thác thành lập chính phủ cho Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza, đảng về thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 6/5), do đảng Dân chủ mới (ND) theo đường lối trung hữu tuyên bố đã thất bại trong nỗ lực này, lãnh đạo Syriza, ông Alexis Tsipras ngày 8/5 tuyên bố nội các mới do ông thành lập sẽ bãi bỏ toàn bộ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ tiền nhiệm đã áp dụng để đổi lấy gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF).

Ông Tsipras, 37 tuổi, lãnh đạo chính trị trẻ nhất tại Hy Lạp, đã kêu gọi thủ lĩnh ND và đảng Xã hội Hy Lạp (PASOK) từ bỏ những cam kết trước đó với các chủ nợ quốc tế, đồng thời cam kết sẽ thành lập một chính phủ liên minh với các đảng cánh tả khác chống các biện pháp khắc khổ cũng như xóa bỏ nhiều luật lao động do các chủ nợ yêu cầu để thúc đẩy cạnh tranh trong nước.

Trong diễn văn trình bày kế hoạch thành lập chính phủ, ông Tsipras cho biết người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu chống lại chính sách khắc khổ do chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Lucas Papademos đề xuất. Cử tri chính là những người đặt dấu chấm hết cho các kế hoạch nhằm đổi lấy gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro của EU và IMF, vì vậy sự lựa chọn chính trị của ông là hoàn toàn đúng đắn.

Theo ông Tsipras, Syriza và các chính đảng chống lại các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" có thể vượt qua khó khăn và có thể tập hợp được 151 ghế (đa số tối thiểu) trong quốc hội 300 ghế để thành lập chính phủ.

Theo các nhà phân tích, về mặt lý thuyết, một chính phủ có thể được thành lập chỉ với sự ủng hộ của 120 nghị sĩ, phụ thuộc vào số người có mặt tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, hiện đảng Cộng sản Hy Lạp (chiếm 26 ghế trong Quốc hội) đã từ chối hợp tác với Syriza.

Trong khi đó, giới phân tích có chung nhận định rằng IMF có thể phải chịu sức ép mới trong việc điều chỉnh các điều khoản cho vay đối với Hy Lạp, và quá trình này có thể rất mất thời gian. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ phải đứng trước tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" để thuyết phục các thành viên của định chế tài chính này rằng, IMF sẽ duy trì các điều kiện cho vay nghiêm ngặt không chỉ đối với Hy Lạp, mà cả các nước khác muốn vay tiền trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Việc không có chính đảng nào hội đủ đa số trong Quốc hội 300 ghế khóa mới để có quyền tự thành lập chính phủ đã khiến những cam kết cải cách của chính quyền tiền nhiệm trở nên khó khả thi. Chuyên gia phân tích tại Nomura, ông Dimitris Drakopoulos cho rằng: "Kết quả bầu cử tại Hy Lạp cho thấy một môi trường chính trị rất bất ổn đang tồn tại ở nước này".

Trong khi đó, nhà kinh tế Gillian Edgeworth tại ngân hàng UniCredit nhận định, quá trình đánh giá tiến độ cải cách kinh tế của Hy Lạp do IMF và EU thực hiện nhằm đưa ra quyết định cứu trợ tiếp theo có thể bị trì hoãn, ngay cả khi các chính đảng Hy Lạp có thể đồng lòng thành lập một liên minh cầm quyền mới.

Mặc dù IMF chỉ đóng góp một phần trong tổng gói cứu trợ cho Hy Lạp trị giá tới 130 tỷ euro, song định chế tài chính này giữ vai trò rất quan trọng trong việc soạn thảo các điều kiện cho vay đối với Hy Lạp, cũng như hối thúc Athens tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, như giảm tỷ lệ nợ/GDP, tinh giản bộ máy hành chính, cải cách khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục