Hy Lạp thông qua các biện pháp khắc khổ mới

Hy Lạp đã thông qua các biện pháp khắc khổ mới theo yêu cầu của các nhà tài trợ là EU và IMF để có thể nhận được gói cứu trợ thứ 2.
Chính phủ Hy Lạp ngày 11/2 đã thông qua các biện pháp khắc khổ mới theo yêu cầu của các nhà tài trợ là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể nhận được gói cứu trợ thứ hai.

Trước đó, Thủ tướng Lucas Papademos cảnh báo nếu không chấp nhận yêu cầu của các nhà tài trợ, Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ không thể kiểm soát và sớm hay muộn sẽ phải từ bỏ đồng euro.

Ông thừa nhận một đợt cắt giảm chi tiêu mới sẽ khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp thêm khó khăn, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức trên 20%, với hơn 1 triệu người mất việc làm. Tuy nhiên, ông cho rằng cái giá phải trả về mặt xã hội khi thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng vẫn nhẹ hơn so với một thảm họa về kinh tế và xã hội nếu đất nước vỡ nợ.

Cùng quan điểm với ông Papademos, người tiền nhiệm là ông George Papandreou cũng cho rằng chương trình khắc khổ mới rất khắc nghiệt, song đây là điều Hy Lạp buộc phải thực hiện nếu muốn tránh được những tình thế ngặt nghèo. Người đứng đầu đảng Dân chủ mới Antonis Samaras nói Hy Lạp sẽ giảm được 85 tỷ euro nợ nếu chấp nhận nhượng bộ các nhà cho vay.

[Hy Lạp lỡ hạn thông qua biện pháp khắc khổ mới]

Để nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (171 tỷ USD), các nghị sỹ Hy Lạp phải thông qua ba vấn đề tại cuộc họp ngày 12/2. Đó là các biện pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng, sự ủy quyền cho Thủ tướng Lucas Papademos và Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos ký thỏa thuận cứu trợ, và thỏa thuận hoán đổi nợ với các nhà đầu tư tư nhân.

Việc Quốc hội Hy Lạp thông qua những vấn đề này là một trong ba điều kiện mà các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) tại cuộc họp ngày 9/2 buộc nước này phải đáp ứng trước khi "xuất kho" gói cứu trợ thứ hai. Hai điều kiện còn lại là việc chấp nhận cắt giảm chi tiêu bổ sung về cơ cấu 325 triệu euro trong năm nay và sự cam kết bằng văn bản của các chính đảng ở Hy Lạp rằng các biện pháp khắc khổ sẽ được thực thi.

Thực hiện thêm các biện pháp khắc khổ là một lựa chọn không dễ dàng với đất nước và người dân Hy Lạp. Sáu thành viên trong chính phủ liên minh của nước này ngày 10/2 đã từ chức để phản đối các biện pháp đó trong khi hàng nghìn người Hy Lạp đã xuống đường tham gia biểu tình phản đối việc cắt giảm lương tối thiểu và sa thải nhân công./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục