Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 8/11 nhận định đà tăng trưởng tiền lương nhanh chóng ở Khu vực Sử dụng Đồng Euro (Eurozone) có thể thúc đẩy lạm phát tiếp tục tăng cao.
Do đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên giữ lãi suất ở quanh các mức cao kỷ lục trong năm tới để “xoa dịu” áp lực về giá cả.
Vào tháng trước, ECB đã phá vỡ chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp. Điều này khiến thị trường kỳ vọng rằng động thái tiếp theo của ngân hàng có thể sẽ là giảm lãi suất ngay trong tháng 4 tới.
Theo dự đoán, tổng mức giảm tính đến cuối năm 2024 có thể lên tới 90 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều đồng ý với điều này. Người đứng đầu Bộ phận châu Âu của IMF Alfred Kammer lập luận rằng lãi suất tiền gửi của ECB sẽ ở quanh mức cao kỷ lục 4% trong suốt năm 2023.
Chuyên gia này nói trong một cuộc họp báo: “Chính sách tiền tệ cần được thắt chặt một cách thích hợp và cần được tiếp tục duy trì như vậy vào năm 2024.”
Ông Kammer cảnh báo ECB không nên cắt giảm lãi suất quá sớm vì điều đó sẽ khiến tổ chức này phải thực hiện thắt chặt chính sách một cách tốn kém hơn sau này.
Lạm phát đã tăng vọt lên vượt ngưỡng 10% từ một năm trước, nhưng sau đó có xu hướng giảm dần.
[Chủ tịch ECB Christine Lagarde: Lạm phát ở châu Âu sẽ chậm lại]
Mặc dù IMF tự tin rằng họ có thể đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu vào năm 2025, song những diễn biến thắt chặt trên thị trường lao động có thể đẩy thời điểm này lùi về năm 2026.
IMF cho biết tăng trưởng tiền lương thực tế cũng sẽ làm tăng áp lực về giá cả. Theo tổ chức này, rủi ro lạm phát dai dẳng vẫn lớn, và theo những giả định bất lợi, điều này có thể trì hoãn việc ECB đạt mục tiêu lạm phát đến năm 2026”.
Song song với đó, ông Kammer cho rằng xung đột tại Dải Gaza cũng đã “thổi bùng” giá năng lượng toàn cầu. Đây là yếu tố đẩy rủi ro về giá lên cao hơn./.