Tác động nặng nề của cuộc xung đột tại Ukraine đang lan rộng trên khắp thế giới, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023.
Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 19/4.
Theo báo cáo, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.
Báo cáo cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013.
Chuyên gia kinh tế cấp cao IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ra tác động sâu rộng đối với kinh tế.
[Lượng khí đốt của Nga qua Ukraine sang châu Âu giảm]
IMF quan ngại rằng kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Báo cáo của IMF còn chỉ rõ các quốc gia châu Âu sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn do cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, kéo theo lạm phát tăng và tình trạng này sẽ diễn ra trong thời gian dài hơn dự kiến.
Do vậy, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển và mới nổi, sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm tại khu vực này. IMF dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 35% trong năm nay trong khi GDP của Nga giảm 8,5%.
Theo IMF, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ cảm nhận được sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch COVID-19, theo đó nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi mức này đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc là 4,4%.
Tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo giảm xuống mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn 1,1% so với mức dự đoán trước đó.
Theo IMF, Italy và Đức là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các quốc gia châu Âu khác do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bởi nhu cầu năng lượng và các ngành sản xuất lớn của hai nước này phụ thuộc nhiều vào Nga.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Đức sẽ chỉ dừng ở mức 2,1% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo 3,8% hồi tháng 1.
Tương tự, Italy cũng sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 giảm xuống còn 2,3%, thấp hơn so với mức 3,8% được dự đoán trước đó.
Đối với lạm phát, IMF dự báo chỉ số này sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài. Theo IMF, tình trạng trên có thể xấu hơn nếu cán cân cung và cầu không được đảm bảo.
Thể chế tài chính này dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7% , các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.
Ông Gourinchas cảnh báo lạm phát đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều nền kinh tế.
Theo ông, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương khác đang chuyển dịch sang chính sách siết chặt tiền tệ, song tình trạng gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine đang gia tăng những áp lực về các chủ trương này.
Liên hợp quốc cảnh báo Ukraine không có đủ năng lực dự trữ ngũ cốc do xuất khẩu bị đình trệ
Ngày 19/4, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho rằng Ukraine sẽ không đủ khả năng lưu kho ngũ cốc cho dù sản lượng thu hoạch trong năm 2022 đã giảm trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này gặp khó khăn trong việc xuất khẩu ngũ cốc và lúa mỳ do cuộc xung đột với Nga.
Điều phối viên phụ trách vấn đề khẩn cấp của WFP tại Ukraine Jakob Kern nêu rõ khoảng 20% khu vực trồng lúa mỳ và ngũ cốc tại Ukraine sẽ không được thu hoạch trong tháng 7 trong khi diện tích gieo trồng vụ mùa Xuân cũng sẽ giảm khoảng 33% so với mức bình thường.
Thách thức hiện nay đối với Ukraine, theo ông Kern, là phải xuất khẩu lượng ngũ cốc tồn kho để nhường chỗ dự trữ cho mùa vụ thu hoạch 2022 đồng thời tạo nguồn thu mua hạt giống và phân bón cho vụ gieo trồng tiếp theo.
Ukraine là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 5 và là nhà xuất khẩu ngô, hạt hướng dương và lúa mạch trong Top 3 thế giới. Năm 2021, sản lượng lúa mỳ của Ukraine đạt 40 triệu tấn, trong khi sản lượng của 3 loại ngũ cốc trên vào khoảng 50 triệu tấn.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ukaine, nước này thường xuất khẩu lượng ngũ cốc và dầu hạt hướng dương lên tới 6 triệu tấn/tháng thông qua các cảng biển, song giờ đây những khu vực này đều bị chặn do xung đột quân sự.
Mối quan ngại hiện nay là việc Ukraine không có đủ năng lực dự trữ ngũ cốc cho vụ mùa thu hoạch trong năm 2022. Ước tính, khoảng 15 triệu tấn ngũ cốc sẽ không có chỗ lưu trữ kho tại nước này.
Trong trường hợp Ukraine không thể xuất khẩu lượng ngũ cốc hiện tại, nông dân sẽ không có tiền để thanh toán cho chi phí vụ mùa năm nay. Việc khan hiếm ngũ cốc của Ukraine trên thị trường thế giới đã đẩy giá lương thực tăng cao./.