Ngày 13/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, nhận định nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể qua nhiều cú sốc, nhưng chưa vượt qua được 2 yếu tố xảy ra đồng thời gồm tăng trưởng yếu và lạm phát dai dẳng.
Trước đó, ngày 11/4, IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đạt 2,8% sau đó dao động ở mức khoảng 3% vào năm 2028.
Đây là mức dự báo 5 năm thấp nhất kể từ khi IMF bắt đầu đưa ra các dự báo tăng trưởng 5 năm vào năm 1990.
[IMF: Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới]
IMF cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra một sự hỗn loạn mới và nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng, gây gián đoạn hoạt động cho vay và khiến nhiều người đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn, đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức 1%, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái và gây áp lực lớn đối với các nền kinh tế mới nổi.
Phát biểu trước báo giới ngày 13/4 nhân dịp Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra ở Washington (Mỹ), bà Georgieva giải thích IMF đưa ra các dự báo trên là do năng suất kém và nguy cơ kinh tế toàn cầu phân mảnh.
Bà nhấn mạnh dự báo của IMF "không đáng sợ và kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái."
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF lưu ý mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo trên "không đủ để mang lại cơ hội cho doanh nghiệp và người dân trên khắp thế giới, và điều rất đáng lo ngại là dự báo tăng trưởng kinh tế yếu trong khoảng thời gian dài hơn."
Cũng theo bà Georgieva, sau khi kinh tế thế giới phục hồi từ đại dịch COVID-19 và hứng chịu những tác động tiêu cực do lạm phát leo thang và xung đột tại Ukraine, các nhà hoạch định chính sách có 2 nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới gồm chống lạm phát dai dẳng và ổn định tài chính.
Cả 2 nhiệm vụ này trở nên phức tạp hơn do áp lực từ ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank tại Mỹ, cùng với việc UBS mua lại ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc IMF cho biết thêm một nhiệm vụ quan trọng khác là cần cảnh giác cũng như theo dõi những rủi ro tiềm ẩn trong các ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng hoặc trong các lĩnh vực như bất động sản thương mại.
Bà Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương nên giải quyết những rủi ro mới nổi gây bất ổn tài chính, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý và giám sát./.