IMFC cảnh báo về sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19

IMFC cho biết sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn tiếp diễn nhưng mức độ sẽ khác nhau ở mỗi nước, cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong việc tiếp cận vaccine và chính sách hỗ trợ.
IMFC cảnh báo về sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ludwigsburg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan thiết lập chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/10 đã cảnh báo về sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế để thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng.

Trong cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) cho biết sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn tiếp diễn nhưng mức độ sẽ khác nhau ở mỗi nước, cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong việc tiếp cận vaccine và chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 đã làm gia tăng sự bất ổn và rủi ro đối với sự phục hồi mà đang có xu hướng giảm.

[G7 kêu gọi thế giới thay đổi cách thức quản lý nền kinh tế]

Ủy ban này cho rằng cần phải thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hành động ngay lập tức để xúc tiến việc tiêm chủng trên diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

IMFC cho biết "Trong điều kiện phức tạp, Ủy ban sẽ điều chỉnh cẩn thận các chính sách trong nước cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và không gian chính sách sẵn có. Ủy ban sẽ tiếp tục ưu tiên chi tiêu cho y tế và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất."

IMFC cũng lưu ý rằng các ngân hàng trung ương đang theo dõi sát sao sức ép lạm phát và sẽ "hành động một cách thích hợp" nếu những rủi ro về lạm phát hiện rõ.

Theo IMFC, thông tin rõ ràng về quan điểm chính sách có thể giúp hạn chế những thông tin tiêu cực lan tỏa. Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi và giải quyết các lỗ hổng tài chính và rủi ro đối với sự ổn định tài chính khi cần thiết.

Ngày 12/10, IMF đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo kinh tế toàn cầu trong bối cảnh số ca mắc biên thể Delta gia tăng, cho thấy sự “khác biệt về tiếp cận vaccine,” tắc nghẽn nguồn cung và rủi ro lạm phát.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới được công bố, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,9% vào năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 7/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục