Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và đang chiếm tới 54% nguồn cung trên thị trường dầu cọ toàn cầu.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto, cho biết trong năm 2023, tổng sản lượng dầu cọ của Indonesia đạt 56 triệu tấn với lượng xuất khẩu đạt 26,33 triệu tấn.
Dầu cọ là mặt hàng chiến lược của Indonesia với giá trị xuất khẩu đạt 28,45 tỷ Rp (1,7 triệu USD) trong năm 2023, tương đương gần 12% xuất khẩu phi dầu mỏ và khí đốt.
Ngoài ra, ngành công nghiệp dầu cọ còn đóng góp cho ngành lao động với việc sử dụng trực tiếp và gián tiếp 16,2 triệu nhân công. Dầu cọ cũng là động lực kinh tế ở các khu vực sản xuất sản phẩm, mang lại sự phát triển ở các vùng nông thôn và góp phần giảm đói nghèo.
Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia đang tiếp tục phát triển hạ nguồn dầu cọ bằng cách sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh có giá trị cao hơn, như dầu diesel sinh học B40 có nguồn gốc từ dầu cọ, loại dầu này đã được phát triển làm nhiên liệu thay thế bền vững.
Bộ trưởng Hartarto cho biết thêm Bộ cũng đang tập trung vào việc tạo dựng một ngành công nghiệp dầu cọ bền vững bằng cách thực hiện các nỗ lực thông qua nhiều chính sách khác nhau, bao gồm chứng nhận dầu cọ bền vững của Indonesia (ISPO) và chương trình sức sống mới cho ngành dầu cọ nhân dân (PSR).
Quy định của Tổng thống về ISPO nhằm mục đích đẩy nhanh việc chứng nhận bền vững cho các doanh nghiệp quy mô lớn và các đồn điền dầu cọ.
Bộ trưởng cho biết: “Quy định của Tổng thống đã được sửa đổi và ISPO cũng bao gồm khả năng truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng dầu cọ bằng cách củng cố khái niệm hạ nguồn.”
Chính phủ thông qua Cơ quan quản lý quỹ trồng dầu cọ (BPDPKS), đã giải ngân số tiền lên tới 9.250 tỷ Rp (tương đương 6,16 tỷ USD) cho diện tích đất 331.007ha thuộc chương trình PSR.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã nâng tài trợ cho chương trình PSR từ 30 triệu Rp lên 60 triệu Rp/ha./.