Theo nguồn tin của Bộ Giao thông vận tải Indonesia, thực hiện chương trình trục hàng hải, chính phủ Indonesia có kế hoạch đóng mới 188 tàu trong giai đoạn 2015-2017.
Tổng cục trưởng Cục Vận tải biển, Bobby R. Mamahit, cho biết đây là kế hoạch đóng tàu lớn nhất của Indonesia và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Quá trình đấu thầu dự kiến sẽ được ký kết trong tháng 10 này.
Tổng trị giá đầu tư cho dự án là 11,8 nghìn tỷ Rupiah, với mức phân bổ trong 3 năm, lần lượt là 3.3 nghìn tỷ Rupiah, 4.4 nghìn tỷ Rupiah và 4.1 nghìn tỷ Rupiah.
Để đảm bảo an toàn hàng hải trên lãnh thổ Indonesias, chính phủ có kế hoạch xây dựng đội tàu gồm 68 tàu tuần tra các loại và 5 tàu phòng chống thiên tai (MDPS).
Đối với vận tải biển, sẽ có các tàu trọng tải 500 tấn, 200 tấn, tàu conntainer, phà... Ngoài ra còn có một đội 15 tàu, thuyền tiến hành các hoạt động dịch vụ hàng hải.
Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã ban hành các tiêu chuẩn đóng tàu, bao gồm các tài liệu có liên quan, công nghệ, kinh phí, các tiêu chuẩn an toàn và quản lý hoạt động...
Bên cạnh tăng cường phương tiện giao thông vận tải đường biển, Chính phủ Indonesia cũng sẽ xây dựng một số cảng quốc tế ở các đảo lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu hàng hóa.
Các cảng quốc tế được xây dựng tập trung ở phía Tây của đảo Sumatra và Kalimantan, miền Nam Java, Bali, và Nusa Tenggara, miền Bắc Sulawesi, Papua và Đông Kalimantan.
Từ trước đến nay, Indonesia vẫn phải gửi các sản phẩm hàng hóa qua cảng biển của Singapore trước khi vận chuyển đến những nơi khác.
Việc xây dựng các cảng quốc tế sẽ giúp Indonesia chủ động và độc lập trong việc lưu chuyển hàng hóa, phát huy thế mạnh là quốc gia quần đảo. Điều này cũng phù hợp với chủ trương về trục hàng hải của Indonesia./.