Indonesia đưa vụ kiện thuế nhập khẩu thép không gỉ lên WTO

Chính phủ Indonesia đã đệ đơn khiếu nại lên WTO sau khi EU áp dụng thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép tấm cán nguội không gỉ (SSCRF) của Indonesia và Ấn Độ, với mức tương ứng là 25% và 7,5%.

EU cho rằng Chính phủ Indonesia nhận trợ cấp đối với các sản phẩm thép từ Chính phủ Trung Quốc. (Nguồn: Fe-alloy)
EU cho rằng Chính phủ Indonesia nhận trợ cấp đối với các sản phẩm thép từ Chính phủ Trung Quốc. (Nguồn: Fe-alloy)

Chính phủ Indonesia vừa nộp đơn kiện Liên minh châu Âu (EU) lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép không gỉ nhập khẩu từ nước này.

Theo ông Bara Krishna Hasibuan, chuyên gia Bộ Thương mại Indonesia, đây là vụ kiện thứ ba giữa Jakarta và EU tại WTO trong những năm gần đây, bên cạnh vụ kiện liên quan đến thuế nhập khẩu dầu diesel sinh học của EU và lệnh cấm xuất khẩu nickel của Indonesia.

Kênh truyền hình CNN Indonesia dẫn lời ông Bara cho biết: “Chúng tôi đã nộp đơn kiện thứ ba. EU đã áp đặt thuế nhập khẩu bổ sung đối với thép không gỉ."

Chính phủ Indonesia đã đệ đơn khiếu nại lên WTO sau khi EU áp dụng thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép tấm cán nguội không gỉ (SSCRF) của Indonesia và Ấn Độ, với mức tương ứng là 25% và 7,5%.

Ngoài ra, EU cũng áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép không gỉ của Indonesia từ 10,2% đến 31,5% kể từ năm 2021.

Ông Bara cho biết EU cho rằng Chính phủ Indonesia nhận trợ cấp đối với các sản phẩm thép từ Chính phủ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ký biên bản ghi nhớ (MoU) giữa nhà sản xuất thép quốc doanh PT Krakatau Steel của Indonesia và Tập đoàn Baowu Zhongnan thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua để tái khởi động các cơ sở chế biến sắt thép thượng nguồn.

Ông Bara cho hay: “Đối với EU, đó là những hành vi không công bằng vì nó giống như họ mua thép từ Trung Quốc, sản xuất tại các nhà máy của Indonesia với sự trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi có thể sẽ thảo luận về vấn đề này vào năm tới vì chúng tôi đã chính thức nộp đơn kiện.”

Việc EU áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép của Indonesia ước tính gây thiệt hại 569,1 tỷ rupiah (36,8 triệu USD).

Trước đó vào tháng 8/2023, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu tham vấn tranh chấp với WTO về việc EU áp thuế nhập khẩu đối với dầu diesel sinh học của Indonesia.

Jakarta lập luận rằng việc EU áp thuế chống trợ cấp và cuộc điều tra trước đó đối với sản phẩm này là không phù hợp với các quy định của WTO.

Tổng cục trưởng Hợp tác thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Djatmiko Bris Witjaksono cho biết thêm rằng EU đã áp thuế chống trợ cấp từ 8% đến 18% đối với các sản phẩm diesel sinh học của Indonesia từ năm 2019.

Ông Djatmiko nhấn mạnh: “Việc áp thuế nhập khẩu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Indonesia, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục