Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 8/11, Hội nghị chuyên đề kết nối ASEAN lần thứ 14 với chủ đề “Thúc đẩy kết nối hướng tới biến ASEAN thành trung tâm tăng trưởng” đã được tổ chức tại Indonesia.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh: “Kết nối là chìa khóa để phát triển kinh tế bao trùm trong ASEAN. Ngoài hoạch định chính sách, cần thúc đẩy cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực.”
Ông Airlangga cho rằng việc khởi động Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) trong Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 sẽ tăng gấp đôi giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số khu vực, từ mức 1.000 tỷ USD hiện nay lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Chương trình nghị sự kinh tế bền vững cũng sẽ được đẩy nhanh thông qua việc phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực.
Theo ông Airlangga, các nước ASEAN cũng cam kết xây dựng Chương trình nghị sự kết nối ASEAN sau năm 2025 như một phần của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Việc xây dựng văn kiện này sẽ được tiến hành dựa vào Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Bộ trưởng cao cấp Indonesia này bày tỏ hy vọng Chương trình nghị sự kết nối ASEAN sau năm 2025 sẽ điều chỉnh các kế hoạch hành động phù hợp với cơ chế hợp tác giao dịch bằng đồng nội tệ (LCT) cũng như kế hoạch phát triển hệ sinh thái xe điện chung của khu vực.
Về phần mình, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) Tetsuya Watanabe cho rằng kết nối ASEAN đã chứng tỏ là nền tảng cho chiến lược phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của ASEAN, với sự phối hợp chính sách, tập hợp nguồn lực và hình thành quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng phục hồi của khu vực.
[Khuyến khích phát triển ASEAN bền vững thông qua AIPF]
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh cho rằng ASEAN cần tiếp tục xây dựng năng lực và củng cố nền móng khu vực nhằm tối đa hóa lợi ích của kết nối ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo thống kê chính thức, kinh tế ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực trong thập kỷ qua với mức tăng trưởng trung bình 4-5%. Tăng trưởng ASEAN đạt 5,7% vào năm 2022 và được dự báo tiếp tục đạt kết quả tích cực trong năm nay.
Năm 2022, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5, nhà xuất khẩu lớn thứ 4 và là khu vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn thứ hai thế giới.
Tăng trưởng kinh tế ASEAN dựa vào kết nối sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế châu Á trong năm nay và cả trong những năm tới.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 hồi tháng 9 vừa qua đã đưa ra nhiều cam kết tăng cường kết nối khu vực nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Khuyến nghị đánh giá giữa kỳ (MTR) đối với Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025./.