Chính phủ Indonesia tuyên bố sẵn sàng giải ngân 38.000 tỷ rupiah (khoảng 2,3 tỷ USD) cho các chương trình an sinh xã hội, nhằm giúp khoảng 70 triệu người dân ứng phó với các tác động tài chính của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, Bộ này đã lên kế hoạch giải ngân thêm tiền cho các hoạt động ứng phó với COVID-19 thông qua Chương trình Hy vọng Gia đình (PKH) hoặc Thẻ lương thực.
Năm 2019, 10 triệu hộ gia đình tại Indonesia đã được hỗ trợ thông qua PKH.
Theo bà Indrawati, Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu và sẽ sớm quyết định về phương thức giải ngân tiền hỗ trợ thông qua PKH, hoặc là tăng số hộ thụ hưởng từ 10 triệu hiện nay lên 15 triệu và giữ nguyên mức hỗ trợ, hoặc là giữ nguyên số hộ thụ hưởng song tăng mức hỗ trợ. Nếu tính mỗi hộ gia đình trung bình có năm người, số người nhận được hỗ trợ sẽ là 50 hoặc 75 triệu người.
[Indonesia có 38 ca tử vong, số ca nhiễm ở Philippines vẫn tăng nhanh]
Theo một thống kê của Bộ Các vấn đề xã hội, Indonesia đã giải ngân 32.650 tỷ rupiah cho 10 triệu hộ gia đình vào năm ngoái thông qua chương trình PKH.
Mỗi gia đình nhận được khoản trợ cấp cơ bản là 550.000 rupiah mỗi năm, cộng thêm các khoản trợ cấp khác tùy theo gia cảnh, chẳng hạn như được nhận thêm 2 triệu rupiah nếu có con đang học trung học.
Bà Indrawati cho biết, Chính phủ Indonesia cũng đang triển khai một chương trình hỗ trợ gạo với số người thụ hưởng lớn hơn.
Riêng năm 2019, khoảng 15,5 triệu hộ gia đình đã nhận được hỗ trợ từ chương trình này. Nếu cộng cả hai chương trình an sinh xã hội này, số người được thụ hưởng là khoảng 70 triệu người nghèo.
Theo một báo cáo có tiêu đề “Tham vọng Indonesia (Aspires Indonesia)” của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 1/5 dân số nước này tự chủ về mặt kinh tế, khoảng 24,8 triệu người hoặc 9,22% dân số thuộc diện nghèo với thu nhập dưới 1 USD/ngày và hơn 60 triệu người dễ bị rơi vào tình trạng nghèo đói./.