Indonesia tổ chức diễn tập quân sự đa quốc gia Siêu Lá chắn Garuda

Theo Đại sứ quán Mỹ, khoảng 2.100 binh sỹ Mỹ và 1.900 binh sỹ Indonesia từ nhiều quân binh chủng sẽ được tăng cường khả năng tương tác thông qua cuộc diễn tập quân sự Siêu Lá chắn Garuda 2023.
Indonesia tổ chức diễn tập quân sự đa quốc gia Siêu Lá chắn Garuda ảnh 1Binh sỹ Indonesia tham gia tập trận Super Garuda Shield 2023. (Nguồn: Mataelang)

Từ ngày 31/8 đến 13/9, Indonesia cùng Mỹ và 5 quốc gia khác sẽ bắt đầu cuộc diễn tập quân sự Siêu Lá chắn Garuda (Super Garuda Shield) 2023.

Trong một thông cáo phát ngày 30/8, Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia cho biết binh sỹ Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Australia, Singapore, Anh và Pháp sẽ tham gia cuộc diễn tập này tại nhiều địa điểm huấn luyện ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ngoài ra, cuộc diễn tập này cũng thu hút nhiều quốc gia quan sát viên, gồm Brunei, Brazil, Canada, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Hàn Quốc và Timor Leste.

Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Charles Flynn cho biết cuộc tập trận Siêu Lá chắn Garuda 2023 được xây dựng dựa trên thành công lớn của năm ngoái.

Cuộc diễn tập đa quốc gia này thể hiện cam kết tập thể và sự thống nhất của các nước, cho phép tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, an ninh, hòa bình, tự do và rộng mở hơn.

Siêu Lá chắn Garuda là cuộc diễn tập quân sự thường niên lớn nhất giữa Mỹ và Indonesia. Năm nay, cuộc diễn tập này được mở rộng cho nhiều quốc gia tham gia.

Theo Đại sứ quán Mỹ, khoảng 2.100 binh sỹ Mỹ và 1.900 binh sỹ Indonesia từ nhiều quân binh chủng sẽ được tăng cường khả năng tương tác thông qua đào tạo và trao đổi văn hóa.

Cuộc diễn tập này tiếp tục củng cố quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

[Mỹ và Indonesia tiến hành cuộc tập trận Siêu lá chắn Garuda]

Cũng theo thông cáo, với các cuộc diễn tập chuyên môn và chiến đấu tại Surabaya và Banyuwangi, Siêu Lá chắn Garuda 2023 tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Indonesia thông qua hợp tác học hỏi, thúc đẩy lòng tin giữa quân đội hai nước.

Các khoa mục huấn luyện bao gồm trao đổi học thuật, hội thảo phát triển chuyên môn, mô phỏng chỉ huy và kiểm soát, diễn tập đổ bộ, không vận, diễn tập chiếm sân bay, huấn luyện thực địa chung, trong đó có diễn tập bắn đạn thật.

Các hoạt động diễn tập tại sở chỉ huy sẽ tập trung vào việc lập kế hoạch nhiệm vụ chung cho các binh sỹ.

Trong khi đó, diễn tập thực địa sẽ có sự tham gia của các đơn vị cấp tiểu đoàn từ mỗi nước nhằm rèn luyện các kỹ năng tác chiến, nâng cao khả năng tương tác và năng lực tác chiến tổng hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục