Theo tờ Nikkei Asia Review, Indonesia và Philippines dường như đang có những bước đi nhằm khôi phục lại các kế hoạch điện hạt nhân thông qua những đề xuất sửa đổi văn bản pháp quy trong thời gian gần đây.
Dự luật về việc tạo việc làm của Indonesia bao gồm các điều khoản nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Dự luật này đã được đệ trình lên Quốc hội để phê chuẩn hồi tháng 2/2020 và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang tìm cách kết thúc các cuộc thảo luận về dự luật này trong một vài tháng tới.
Dự luật ở Indonesia khẳng định những sửa đổi trong luật về năng lượng hạt nhân năm 1997 là nhằm “giúp công chúng, nhất là khu vực tư nhân, xin giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực điện hạt nhân một cách dễ dàng hơn."
Các điều khoản mới khác bao gồm việc chính phủ trung ương sẽ có quyền cấp phép kinh doanh trực tiếp cho các công ty hoạt động trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản phóng xạ, hoặc phát triển và/hoặc điều hành các nhà máy điện hạt nhân.
Nếu được thông qua, đây sẽ là sửa đổi quan trọng đối với luật năm 1997, vốn yêu cầu khu vực tư nhân phải hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (Batan) của Chính phủ khi phát triển điện hạt nhân.
Indonesia đã nuôi dưỡng tham vọng điện hạt nhân kể từ khi thành lập Batan vào năm 1958. Cơ quan này đang điều hành ba lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho mục đích nghiên cứu với tổng công suất khoảng 30MW. Tuy nhiên, lâu nay, sự phản đối mạnh mẽ của người dân đã ảnh hưởng tới việc phát triển điện hạt nhân ở quy mô lớn, chủ yếu do lo ngại về tình trạng tham nhũng và nguy cơ xảy ra động đất ở quốc đảo này.
Mặc dù vậy, năm ngoái, nhiều cuộc thảo luận về điện hạt nhân đã diễn ra. Một số nghị sỹ đã kêu gọi phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện năng cho ngành công nghiệp.
Công ty điện lực quốc doanh Perusahaan Listrik Negara và ThorCon International - doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực điện hạt nhân của Mỹ, đã lên kế hoạch nghiên cứu tiền khả thi về dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân có công suất 500MW sử dụng thorium thay vì uranium.
Những người khởi xướng dự án này cho rằng điện hạt nhân rẻ hơn nhiều so với các nguồn năng lượng tái tạo khác, và vì vậy, nó sẽ giúp Indonesia tăng tỷ trọng năng lượng tái sinh trong cơ cấu năng lượng từ mức 12% hiện nay. Trong tổng công suất 69 GW của Indonesia năm ngoái, nhiệt điện chạy than đá vẫn chiếm tới 60%. Tiếp đó là nhiệt điện chạy bằng khí đốt chiếm 23% và dầu nhiên liệu là 4%. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái sinh trong tổng nguồn cung điện nang lên 23% vào năm 2025.
Phát biểu trong một phiên điều trần tại Quốc hội hồi tháng 1/2020, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif nói rằng điện hạt nhân là “phương án cuối cùng” trong các kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc đưa các điều khoản mới về điện hạt nhân vào dự luật trên đã làm dấy lên các câu hỏi về sự hồi sinh của tham vọng hạt nhân của nước này.
[Năng lượng hạt nhân - lựa chọn của ASEAN trong tương lai?]
Tại Manila, trong phiên họp nội các vào đầu tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi đã nhắc lại đề nghị Tổng thống Rodrigo Duterte đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này. Dự thảo sắc lệnh hành pháp đã được đưa ra vào tháng 2/2020, trong đó khẳng định quyết tâm của Bộ trưởng Cusi nhằm nhận được sự chấp thuận chính thức từ Tổng thống Duterte.
Sự quan tâm của Chính phủ đối với điện hạt nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Nga đã trở nên nồng ấm hơn. Moscow đã đưa ra đề xuất thực hiện các dự án điện hạt nhân ở Philippines trong chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Nga vào tháng 10/2019.
Năm ngoái, Bộ trưởng Cusi cho biết Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Rosatom của Nga sẽ thực hiện một nghiên cứu tiền khả thi cho việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.
Một đề xuất khác đang được xem xét về việc khôi phục nhà máy điện hạt nhân ở bán đảo Bataan, phía Tây Manila. Nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Đông Nam Á này được xây dựng dưới thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos, nhưng sau khi ông này bị lật đổ và sau thảm họa Chernobyl vào năm 1986, Chính phủ Philippines đã đóng cửa cơ sở này trước khi nó đi vào vận hành. Nga đã đề xuất rằng nhà máy Bataan có thể đi vào hoạt động với kinh phí sửa chữa khoảng từ 3 đến 4 tỷ USD.
Philippines hiện là một trong số các quốc gia có giá điện cao nhất ở châu Á và thường bị mất điện trong mùa Hè khi nhu cầu điện tăng cao hoặc khi các nhà máy điện phải ngừng hoạt động để bảo dưỡng. Năm 2018, 52% nhu cầu năng lượng của Philippines được đáp ứng bằng than đá, 23% từ các nguồn năng lượng tái sinh và 21% từ thiên nhiên, trong khi phần còn lại đến từ các nguồn năng lượng có nguồn gốc từ dầu thô như dầu diesel và khí đốt.
Fitch Solutions nhận định "nhu cầu năng lượng ở Philippines sẽ tăng cao trong những năm tới do đà tăng trưởng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ và sự gia tăng của dân số cùng với các mục tiêu của Chính phủ nhằm đạt được tỷ lệ điện khí hóa 100% vào năm 2022."
Indonesia và Philippines không phải là những quốc gia Đông Nam Á duy nhất có khát vọng về điện hạt nhân. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và sự phản đối đối với nhiệt điện chạy than đang gia tăng, các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực này cũng đã từng có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Năm 2017, Thái Lan đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc về việc hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Malaysia cũng đặt mục tiêu có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2021, và gia hạn kế hoạch này tới sau năm 2030 trước khi ông Mahathir Mohamad nói không với điện hạt nhân khi trở thành Thủ tướng vào năm 2018.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 vẫn còn mới trong tâm trí của nhiều người và tiếp tục châm ngòi cho sự phản đối mạnh mẽ đối với nguồn năng lượng này.
Các nhà hoạt động về môi trường đã liên tục phản đối ý kiến cho rằng điện hạt nhân là nguồn năng lượng thay thế rẻ hơn so với các nguồn năng lượng tái sinh khác với lập luận rằng chi phí để xử lý trong tình huống xảy ra thảm họa hạt nhân là cực kỳ lớn.
Ông Satrio Swandiko, nhà hoạt động về môi trường và năng lượng ở tổ chức Greenpeace Indonesia, nói: “Điện hạt nhân không phải là nguồn năng lượng rẻ. Dự luật của Indonesia đã được bị diễn giải sai rằng Indonesia cần chuyển sang nguồn năng lượng sạch và an toàn. Trong lúc các nước phát triển như Đức và Nhật Bản đã từ bỏ điện hạt nhân, Indonesia lại đi ngược lại."
Ông cũng gọi kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân sử dụng nhiên liệu thorium, vốn chưa từng được vận hành thương mại ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, là một “canh bạc với rủi ro gây thiệt hại lớn."
Những người ủng hộ cho việc sử dụng thorium lập luận rằng nhiên liệu này an toàn hơn uranium và ít có khả năng phát triển thành vũ khí hạt nhân.
Ông Daine Loh, nhà phân tích về điện và năng lượng tái sinh tại Fitch Solutions, nói với nhà máy Bataan, Philippines có cơ hội tốt hơn để đi trước về công nghệ hạt nhân so với phần còn lại ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng khả năng phát triển điện hạt nhân ở bất cứ nơi nào tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới là không thể xảy ra, chủ yếu vì các lý do như chi phí quá cao (đặc biệt đối với các thị trường mới nổi), sự an toàn và thời gian triển khai dài trước khi có thể xây dựng hoặc đi vào vận hành”./.