Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi ngày 10/12 đã bác bỏ cáo buộc của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) nhằm vào Tehran tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm này ở Saudi Arabia.
Truyền thông Iran dẫn tuyên bố của ông Qassemi bày tỏ "lấy làm tiếc" về việc GCC tiếp tục có cách tiếp cận “không mang tính xây dựng” đối với Tehran tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 39 của GCC khai mạc ngày 9/12.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho rằng "GCC đã trở thành bình phong để tuyên bố những chính sách của một số ít nước thành viên của nhóm này hoàn toàn không giúp ích cho hòa bình và ổn định khu vực."
Theo đó, Iran kêu gọi GCC cần xóa bỏ những hiểu lầm và khác biệt bên trong và bên ngoài khối bằng cách thực hiện một cách tiếp cận độc lập và hợp lý, thay vì theo đuổi những chính sách gây chia rẽ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh GCC, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz chỉ trích Iran tiếp tục khuyến khích khủng bố và đe dọa sự ổn định khu vực. Ông cũng cáo buộc Iran theo đuổi các chính sách can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
[Các cuộc khủng hoảng khu vực phủ bóng đen lên Hội nghị GCC]
GCC thành lập năm 1981, là một liên minh kinh tế và chính trị bao gồm các nước Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Oman và Kuwait.
Hội nghị lần thứ 39 của GCC diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa các nước GCC bắt đầu rạn nứt từ tháng 6/2017, khi các nước Saudi Arabia, UAE và Bahrain cùng Ai Cập áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trên, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa các nước vùng Vịnh.
Doha bác bỏ các cáo buộc và cho rằng các nước trên muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, nhưng cho đến nay chưa mang lại kết quả.
Hội nghị lần này được kỳ vọng có thể là cơ hội để chấm dứt sự rạn nứt trong khối.
Theo Tổng Thư ký GCC Abdellatif Al-Zayani, hội nghị sẽ xem xét các mối quan hệ với Iran sau khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Lâu nay, Saudi Arabia cùng UAE và Bahrain ủng hộ Mỹ gia tăng sức ép đối với Iran, trong khi hai nước thành viên khác của GCC là Kuwait và Oman mong muốn bình thường hóa quan hệ với Iran./.