Iran không từ bỏ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân

Tổng thống Iran khẳng định nước này sẽ không từ bỏ các quyền của mình, nhất là quyền sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình.
Ngày 6/8, tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 4/8, tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani tuyên bố Iran sẵn sàng cho cuộc đàm phán "nghiêm túc và không lãng phí thời gian" về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ông Rowhani nêu rõ việc Mỹ đề nghị thi hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và đánh giá không đúng về tình hình ở nước này.

Ông Rowhani khẳng định Iran sẽ không từ bỏ các quyền của mình, nhất là quyền sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình theo quy định của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và luật quốc tế.

Tổng thống Rowhani khẳng định nếu lợi ích dân tộc được đề cập trong cuộc đàm phán, Iran sẵn sàng đàm phán với bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ.

Theo nhà lãnh đạo này, chương trình hạt nhân hòa bình là một vấn đề quốc gia và Iran sẽ không hủy bỏ chương trình làm giàu urani, vấn đề mà các nước phương Tây đang lo ngại.

Ông Rowhani cho rằng đối thoại và không áp đặt trừng phạt là phương thức duy nhất để tiếp xúc với Iran dựa trên cơ sở bình đẳng, xây dựng niềm tin, tôn trọng lẫn nhau và giảm thù địch. Iran sẽ không đàm phán dưới sự đe dọa của các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc hành động quân sự.

Cùng ngày 6/8, Nga lên tiếng ủng hộ đề nghị của Tổng thống Hassan Rowhani về đàm phán ngay lập tức liên quan đến chương trình hạt nhân, đồng thời chỉ trích Mỹ thúc đẩy thi hành các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng điều quan trọng đối với các cường quốc là ủng hộ giải pháp mới của Chính phủ Iran và tiến hành cuộc đàm phán càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, Mỹ hối thúc Iran nhanh chóng giải quyết quan ngại về vấn đề hạt nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/8 cho rằng việc ông Hassan Rowhani nhậm chức Tổng thống Iran là cơ hội cho nước này nhanh chóng giải quyết những quan ngại về chương trình hạt nhân và Mỹ muốn nhìn thấy những hành động cụ thể từ phía Tehran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ: "Iran cần có những bước đi để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề này, và quả bóng đang ở trong chân của họ."

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn kêu gọi tăng cường sức ép đối với Iran và khẳng định đây là cách duy nhất có thể ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo theo đuổi khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trả lời Đài phát thanh Israel ngày 6/8, một quan chức cấp cao Israel giấu tên cho biết Israel nghi ngờ ý định của chính quyền Mỹ về việc bằng mọi giá ngăn chặn một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo quan chức này, kể từ khi ông Rowhani được bầu làm Tổng thống Iran, Israel lo ngại các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Washington và Tehran sẽ dẫn tới việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt vì những nhượng bộ của Iran./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục