Ireland bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề Bắc Ireland

Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar đã lên tiếng khẳng định không chấp nhận "đường biên kinh tế" với Bắc Ireland khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Ireland bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề Bắc Ireland ảnh 1 Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar đã lên tiếng khẳng định không chấp nhận "đường biên kinh tế" với Bắc Ireland khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Theo phóng viên TTXVN tại London, tuyên bố trên của Thủ tướng Ireland đang tạo sức ép nặng nề lên Thủ tướng Anh Theresa May đối với vấn đề tương lai của Bắc Ireland, vốn là một trong ba ưu tiên hàng đầu của EU trong giai đoạn đàm phán đầu tiên về Brexit với Anh. London cũng từng thừa nhận phải chú ý đến mối quan hệ đặc biệt giữa Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland và tầm quan trọng của tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland.

[Ireland: Không có đề xuất cho biên giới trên biển với Anh sau Brexit]

Cộng hòa Ireland là thành viên EU duy nhất có đường biên giới với Vương quốc Anh. Hiện London muốn tránh quay lại vấn đề khó khăn về đường biên giới giữa hai nước, để có thể duy trì Khu vực Du lịch chung, và nhằm đảm bảo rằng Brexit không làm tổn hại đến Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, Thủ tướng Ireland Varadkar khẳng định quan điểm của Ireland rằng, nếu rời thị trường chung và liên minh thuế quan EU, Anh sẽ rất khó có được "biên giới mềm" với Ireland.

Hiện việc quay lại "biên giới cứng" liên quan đến kiểm soát nhận dạng và thuế quan giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland được xem là khó có thể tránh khỏi, nếu Anh rời EU. Khi đó, đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hoà Ireland sẽ trở thành biên giới giữa 1 nước trong và 1 nước ngoài EU. Điều này dự kiến sẽ gây ra tác động chưa lường trước về kinh tế và chính trị với Cộng hoà Ireland và Liên hiệp Anh.

Bên cạnh đó, vấn đề này cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng trở lại ở Bắc Ireland - nơi từng xảy ra nhiều thập kỉ xung đột bạo lực khi tín đồ Cơ đốc muốn Bắc Ireland sáp nhập vào Cộng hòa Ireland trong khi tín đồ Tin lành lại muốn Bắc Ireland ở lại Anh, cho đến khi hai bên đạt được Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành năm 1998./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục