Bộ trưởng Phúc lợi Israel Meir Cohen ngày 6/10 thông báo chính phủ nước này sẽ giải ngân 1,7 tỷ shekels (tương đương 550 triệu USD) trong một kế hoạch chống nghèo đói nhằm giảm tỷ lệ người nghèo đang ở mức cao trong một thập kỷ qua.
Kế hoạch mới nhằm giảm tỷ lệ người nghèo ở Israel từ mức 20,9% xuống còn 11% trong vòng 10 năm tới, tập trung vào hai nhóm người già và trẻ em. Theo kế hoạch, 430 triệu shekels (118 triệu USD) sẽ được dành để xây dựng các trung tâm điều dưỡng, trường đào tạo nghề, nhà ở xã hội và hỗ trợ thuốc men cho người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền còn lại sẽ dành để tăng lương hưu cho 190.000 người già và tăng thu nhập cho các bố/mẹ đơn thân có công ăn việc làm nhưng đang sống ở mức dưới chuẩn nghèo.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jerusalem, Bộ trưởng Cohen cho biết "đây là thời điểm lịch sử" để thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Quyết định trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi Bộ Tài chính trình chính phủ dự thảo ngân sách năm 2015, trong đó cắt giảm 7 tỷ shekels (1,9 tỷ USD) chủ yếu ở các lĩnh vực y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội. Theo một báo cáo năm 2013 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Israel có tỷ lệ người nghèo cao nhất trong số các nước phát triển với 20,9% dân số sống ở mức nghèo.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Bộ Tài chính Israel đã công bố kế hoạch cổ phần hoá một phần hoặc toàn phần một loạt doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm nợ công và chống tham nhũng. Bộ Tài chính cho biết kế hoạch này dự kiến đem về cho ngân sách nhà nước thêm 15 tỷ shekels (4,07 tỷ USD) trong 3 năm tới.
Theo kế hoạch trên, cổ phần hoá bán phần sẽ áp dụng với những doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện lực, cấp nước, bưu chính, hàng không, đường sắt và khí đốt. Trong khi đó, cổ phần hóa toàn phần sẽ được áp dụng với các doanh nghiệp mà "nhà nước không có lợi ích lâu dài", như các cảng biển Ashdod và Haifa, Công ty Dead Sea Works (nhà sản xuất phân bón kali hàng đầu Trung Đông).
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cuộc "cải tổ" trên sẽ giúp tăng thu nhập cho nhà nước và tăng tính minh bạch trong các công ty của chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Yair Lapid đánh giá "đây là biện pháp mới nhằm chấm dứt tình trạng chính trị hóa các công ty nhà nước, đồng thời giảm tình trạng tham nhũng trong các công ty này"./.