Ngày 9/10, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giovanni Tria bày tỏ mong muốn có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) về dự thảo ngân sách 2019, sau khi Ủy ban châu Âu thể hiện sự quan ngại về kế hoạch tăng gấp ba chỉ tiêu thâm hụt ngân sách của Rome.
Phát biểu trước một ủy ban quốc hội, Bộ trưởng Tria cho biết chiến lược của các chính phủ tiền nhiệm đều không hiệu quả trong việc kiểm soát nợ công, đồng thời nhấn mạnh rằng Italy cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
Ông Tria nêu rõ Italy cần có cuộc thảo luận mang tính xây dựng với EU nhằm nêu ra những lý do phù hợp cho chiến lược tăng trưởng của nước này.
Ông Tria nhấn mạnh thâm hụt cơ cấu của Italy, vốn không bao gồm các yếu tố đột xuất và ảnh hưởng từ chu kỳ kinh doanh, sẽ giảm một khi tăng trưởng và tỷ lệ người lao động có việc làm quay lại mức trước khi khủng hoảng diễn ra.
Dự báo, thâm hụt ngân sách cơ cấu của Italy sẽ tăng ở mức 0,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới.
Chính phủ Italy cho biết kế hoạch cắt giảm thuế và tăng phúc lợi sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng. Italy hiện đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 1,5% trong năm tới, 1,6% và 1,4% lần lượt vào năm 2020 và 2021.
[EC tiếp tục đề xuất Italy hạ mục tiêu thâm hụt ngân sách]
Bộ trưởng Tria khẳng định những mục tiêu trên hoàn toàn thận trọng, bác bỏ những ý kiến cho rằng chính phủ đã quá lạc quan.
Ông tin tưởng rằng Chính phủ Italy có thể thu hẹp khoảng cách tăng trưởng của nước này trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cũng như lần đầu tiên giảm mạnh được tỷ lệ nợ trong 3 năm tới.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu cảnh báo các kế hoạch của Italy trong việc làm tăng gấp 3 mục tiêu thâm hụt là một sự chệch hướng lớn khỏi lộ trình mà Hội đồng châu Âu đã đề xuất.
Lãnh đạo Phong trào M5S Luigi Di Maio và Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đã chỉ trích Ủy ban châu Âu, tuyên bố sẽ không nhượng bộ về các kế hoạch chi tiêu cho năm tới.
Dự thảo ngân sách và quan điểm trái ngược với EU của Italy đã gây áp lực đối với thị trường tài chính, vốn đang quan ngại rằng quyết định vay nợ thêm của Italy là không bền vững.
Hiện nợ công của Italy đang ở mức131% GDP, mức lớn nhất tại EU chỉ sau Hy Lạp./.