Italy nỗ lực tìm cách tháo gỡ thế bế tắc chính trị

Tổng thống Italy tham khảo ý kiến với lãnh đạo các chính đảng nhằm xác định nhân vật sẽ được trao quyền thành lập chính phủ mới.
Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đang có cuộc tham khảo ý kiến với lãnh đạo các chính đảng trong hai ngày 20 và 21/3 trong một nỗ lực nhằm xác định nhân vật nào sẽ được trao quyền thành lập một chính phủ mới ở nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) này.

Italy đang trong tình trạng bế tắc chính trị tiếp sau cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng Hai mà không có chính đảng nào giành được quyền kiểm soát tại cả hai viện quốc hội để có thể thành lập một chính phủ ổn định.

Sự bế tắc này đã gây lo ngại cho các nhà phân tích chính trị và kinh tế ở châu Âu, khiến họ lên tiếng cảnh báo rằng Italy có nguy cơ rơi trở lại vào vòng xoáy nợ công trong bối cảnh vấn đề đánh thuế tiền gửi ngân hàng ở Síp đang gây nên những rúng động tại Eurozone.

Trong ngày 20/3, Tổng thống Napolitano đã có cuộc gặp với đại diện liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti, liên minh giành được nhiều phiếu bầu thứ tư trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, cũng như một số chính đảng nhỏ khác.

Thủ tướng Monti không tham dự, nhưng điều phối viên của đảng “Lựa chọn Dân sự” của ông Monti là Andrea Olivero cho biết sau cuộc gặp rằng đảng “Lựa chọn Dân sự” ủng hộ một chính phủ liên minh có khả năng ổn định nền tài chính công của Italy và thúc đẩy tăng trưởng.

Dự kiến trong ngày 21/3, Tổng thống Napolitano sẽ gặp danh hài Beppe Grillo - lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S) đang lên, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi - lãnh đạo phe trung hữu, và ông Pier Luigi Bersani - lãnh đạo liên minh trung tả, vốn giành đa số tại Hạ viện nhưng không kiểm soát được Thượng viện trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

[Đa số người dân Italy muốn được ở lại Eurozone]

Nhiều nhà quan sát chính trị dự đoán Tổng thống Napolitano có thể sẽ trao cho ông Bersani trách nhiệm thành lập một chính phủ mới, nhưng chỉ khi ông Bersani thuyết phục được Tổng thống rằng phe trung tả có đủ sự ủng hộ của các đảng khác để điều hành đất nước. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được, Italy sẽ đối mặt với khả năng một chính phủ tạm quyền mới sẽ được bổ nhiệm để điều hành đất nước trong một khoảng thời gian và tiếp đó là tiến hành bỏ phiếu trở lại, sớm nhất là vào tháng Sáu hoặc sau kỳ nghỉ Hè, vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Phe trung tả của ông Bersani lâu nay đang tìm cách thuyết phục sự ủng hộ của đảng M5S, nhưng cho đến nay đảng này vẫn từ chối giúp phe này thiết lập một đa số tại Quốc hội. Hồi cuối tuần qua, một tia hy vọng đã lóe lên khi hai nhân vật thuộc phe trung tả đã được bầu là chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện. Thắng lợi này của phe trung tả là nhờ một số nghị sĩ thuộc đảng M5S quay sang bỏ phiếu ủng hộ. Nếu tình hình tiến triển theo chiều hướng khả quan, Thủ tướng tạm quyền Monti sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.

Nền kinh tế Italy hiện đang trong tình trạng suy thoái sâu sắc và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục, đặc biệt trong giới trẻ. Trong bối cảnh bế tắc chính trị ở Italy vẫn chưa được tháo gỡ, tỷ lệ nợ công ở mức khoảng 2.000 tỷ euro (2.600 tỷ USD) của nước này đang có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường trái phiếu cũng như có thể khiến tỷ lệ lãi suất tăng mạnh, đe dọa đến sự ổn định chung đến nền kinh tế châu Âu./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục